Những điểm nhấn trong báo cáo Việt Nam 2035

Bích Ngọc - Chu Chỉnh (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ ba, ngày 23/02/2016 17:28 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đã được công bố ngày hôm nay với nhiều con số đáng chú ý.

Để đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong 20 năm nữa, Việt Nam cần xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra. Đây là những khuyến nghị của báo cáo “Việt Nam 2035” do Ngân hàng Thế giới và các cơ quan Chính phủ của Việt Nam đồng thực hiện. Sáng 23/2, báo cáo đã được công bố tại Hà Nội với sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim.

Báo cáo với tiêu đề “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đưa ra 3 trụ cột phát triển, 6 chuyển đổi lớn và đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Ba trụ cột đó là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội và Nhà nước phải có năng lực và trách nhiệm giải trình”.

Để trở thành nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm, để nâng mức thu nhập trung bình từ hơn 2.000 USD vào năm 2014 lên trên 7.000 USD vào năm 2035.

Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn. Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa nếu không muốn bị tụt lại phía sau, không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng, những thành quả nổi bật mà Việt Nam đạt được trong 25 năm qua thể hiện ở cả phát triển kinh tế và trong xóa đói nghèo, cuộc sống của người dân Việt Nam thay đổi nhanh chóng. Kinh tế tăng trưởng gần 7% một năm, đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới những năm 1980, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

“Nhiều quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm từ thành công của Việt Nam những năm qua và định hướng chính sách mà Việt Nam đưa ra cho những năm tới. Bài học từ Việt Nam là thúc đẩy kinh tế thị trường, tạo cơ hội cho hội nhập quốc tế, nhận thức sớm và đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực, đảm bảo cam kết với quốc tế về cải cách thể chế và tiến hành đổi mới”.

Đánh giá cao tính thực tiễn và sự công phu của báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là tài liệu quan trọng cho nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Ông nói: “Những vấn đề vừa có tính thời sự vừa có tính chiến lược đã được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Việt Nam đưa vào. Những khuyến nghị của báo cáo sẽ được Chính phủ tham khảo, trước hết là trong giai đoạn 2016-2020”.

Tháng 7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giám Ngân hàng Thế giới đã khởi xướng sáng kiến xây dựng một báo cáo phát triển dài hạn cho Việt Nam. Từ báo cáo Việt Nam 2035 có thể nhận thấy, yêu cầu đổi mới đối với Việt Nam hiện cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi Việt Nam đã bước vào giai đoạn cuối cùa thời kỳ cơ cấu dân số vàng, những nguồn lực cho phát triển kinh tế đang yếu dần đi, lao động giá rẻ và tài nguyên khoáng sản không còn là lợi thế. Trong khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới… đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ gay gắt hơn.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước