Trong dịp Tết năm nay, dự kiến sức mua năm nay tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 25%, tùy từng mặt hàng so với Tết Nguyên đán năm 2024.
Trong đó, những mặt hàng thực phẩm, rau củ quả cũng được các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thu mua, sản xuất nhằm kịp thời cung ứng cho người dân những ngày tiêu dùng cao điểm.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn doanh nghiệp dành chuẩn bị cho lương thực, thực phẩm tết Ất Tỵ 2025 vào khoảng 8.000 tỷ đồng. Sức mua tại nhiều điểm bán lẻ đã tăng từ 30 - 40% so với những tháng trước.
Tết Dương lịch cũng là giai đoạn mùa kinh doanh hàng Tết bước vào thời gian cao điểm nên hầu hết kênh phân phối, bán lẻ đều tăng cường nguồn cung, bình ổn giá và kiểm soát chất lượng hàng hóa. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp, tổ chức 11.000 điểm bán hàng bình ổn giá dịp này.
Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, Sở phối hợp Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường.
Song song với đó, tất cả điểm bán lẻ cần dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!