Hoạt động nuôi trồng thủy sản chuẩn bị vào vụ đông
Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nuôi trồng thủy sản của năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Văn bản số 8024 gửi các địa phương chỉ đạo giám sát sản xuất, lưu thông giống, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi, thao túng giá bất hợp lý trong nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tiếp tục xuống giống thủy sản trên diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi.
Thực tế tại một số địa phương như Hải Phỏng, Quảng Ninh, đã khôi phục khoảng 80 - 100% cơ sở, hộ nuôi trồng thuỷ sản bị hư hại nhẹ từ ảnh hưởng của cơn bão số 3, các hoạt động đánh bắt khai thác cá biển được tăng cường, đặc biệt 15 - 20% đầm, ao, lồng bè đã được đầu tư mới bắt đầu xuống giống.
Tính chung 10 tháng đầu năm, nuôi trồng thuỷ sản đạt 4,6 triệu tấn, vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh min họa - Báo Công Thương.
Theo ghi nhận tại đầm tôm may mắn còn xót lại sau cơn bão số 3 tại Hải Phòng, lứa tôm được thả từ tháng 6 hiện nay cũng khá lớn và chỉ 2 tháng nữa là được thu hoạch và với giá trên thị trường 450.000 - 500.000 đồng/kg thì đầm này cho thu khoảng 2 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể để họ có thể khôi phục sản xuất trong thời gian tới.
Làm sạch nước đầm nuôi, tăng cường sức đề kháng cho tôm, chỉ sau 2 tuần mọi hoạt động nuôi thuỷ sản trên diện tích 10 ha của anh Cao Văn Thuấn (Chủ đầm tôm, Yên Lãng, Hải Phòng) đã khôi phục hoàn toàn. Dự tính, cuối năm trang trại này cung cấp ra thị trường khoảng 12 tấn tôm các loại.
"Gia đình cũng huy động nguồn lực và nhân lực để làm sao khôi phục lại để ổn định và sản xuất kịp thời", anh Thuấn chia sẻ.
Mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Minh, Yên Lãng, Hải Phòng cho ra thị trường trên 300 tấn tôm, cá các loại. Năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 con số này dự kiến giảm đi một nửa. Vì thế hiện họ đang khẩn trưởng vệ sinh đầm, ao để bắt đầu nuôi thả đợt mới. Hiện cả hợp tác xã đang huy động mọi nguồn lực để có thể mua giống, thức ăn chuẩn bị cho vụ mới.
Để huy động thêm các nguồn lực về giống, thức ăn, tư liệu sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tiếp tục tổ chức các hội nghị thúc đẩy nuôi trồng cá tra, tôm và nhuyễn thể tại vùng sản xuất trọng điểm trên cả nước.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Kinh nghiệm của những năm 2000, lũ bão miền Trung đó là thúc đẩy cá tra tại Đồng tháp, tới đây có hội nghị về cá tra, về tôm, hội nghị nhuyễn thể để có sự bù đắp phục hồi sau cơn bão số 3".
Một động lực để bà con nuôi trồng thuỷ sản khẩn trương khôi phục sản xuất đó là giá bán các loại cá và tôm khá tích cực, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, nuôi trồng thuỷ sản đạt 4,6 triệu tấn, vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mục tiêu sản lượng cả năm là 9,2 triệu tấn hoàn toàn khả thi
Nhìn vào kết quả 10 tháng qua, thuỷ sản vẫn tăng trưởng dương. Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu sản lượng cả năm là 9,2 triệu tấn là hoàn toàn khả thi, đồng nghĩa với việc Tết năm nay nguồn cung các loại thuỷ sản tiêu dùng trong nước dự kiến cũng ổn định và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì tốt.
Tuy nhiên trên thực tế, để có tiền cải tạo đầm ao, mua giống, mua thức ăn thì nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản gặp không ít khó khăn về vốn.
Anh Cao Văn Thuấn - Chủ đầm tôm, Yên Lãng, Hải Phòng nói: "Đầu tư cho ngành thuỷ sản rất cao, nhiều khi đang nuôi bị nhỡ cám".
"Hợp tác xã ngân sách không có, đầu tư lớn. Chúng tôi chỉ đầu tư được 50% các hộ, các nhiều hộ không có tiền đang chơi vơi, không có tiền đầu tư", ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Minh, Yên Lãng, Hải Phòng cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hải Phòng cho hay: "Các địa phương đang chờ Nghị định 02 sửa đổi, các chính sách hộ trợ cho bà con sẽ tốt hơn".
Khơi thông nguồn vốn cho sản xuất cuối năm
Ngay sau cơn bão số 3 với những thiệt hại nặng nề, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện sớm việc soạn thảo Nghị định 02, sửa đổi, bổ sung một số điều trình Chính phủ thông qua vào đầu tháng 11 này.
Đây được coi là cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, đây cũng là một nguồn lực quan trọng giúp các hộ chăn nuôi để khôi phục sản xuất.
Để hỗ trợ cho ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng từ mức 30.000 tỷ đồng trước đó.
Đây là lần thứ hai, gói vay này được tăng quy mô, cho thấy nhu cầu vốn cho lĩnh vực lâm, thủy sản là khá lớn, và giải ngân hiệu quả. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tương mại đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh và có những chính sách hỗ trợ để giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão lũ.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng từ mức 30.000 tỷ đồng trước đó. Ảnh min họa.
Giảm một nửa tiền lãi phải trả cho những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão lũ là cách Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ khó khăn cùng người vay. Đồng thời, cũng tiếp tục ưu đãi cho vay mới để có nguồn tiền tái thiết sản xuất.
Song song với giảm lãi vay, một số ngân hàng cũng thực hiện tự cơ cấu nợ, giãn thời hạn trả nợ cho những trường hợp thiệt hại nặng. Còn để hỗ trợ chung cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư hướng dẫn về cơ cấu nợ theo hướng kéo dài thời hạn đến hết năm sau.
Cũng theo dự thảo thông tư quy định về cơ cấu nợ thì Ngân hàng Nhà nước đề xuất sẽ không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được áp dụng với các khoản vay có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9 năm nay.
Trong Công điện số 108 ban hành ngày 18/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại do bão lũ theo quy định của pháp luật để người dân có nguồn vốn nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!