Ngay sau khi Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra đề án chuyển nhượng, một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và giao thông cho rằng, việc chuyển nhượng là cần thiết, nhất là trong điều kiện vốn đầu tư hạ tầng còn nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng cần xem xét kỹ cơ sở tính toán giá trị chuyển nhượng đã hợp lý hay chưa? Cũng có ý kiến cho rằng, mức giá và các tiêu chí chuyển nhượng dường như đang hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, cho biết: "Đề án không hạn chế đối tượng nhà đầu tư tham gia nhượng quyền. Nhưng với số vốn gần 10.000 tỷ đồng bỏ ra không phải là con số nhỏ với nhà đầu tư trong nước, việc huy động ngân hàng cũng gặp phải khá nhiều rào cản".
Theo ông Mai Tuấn Anh, đây là một lĩnh vực mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, đang ở giai đoạn khởi động với những cơ chế đặc biệt, nên đòi hỏi cần có thời gian để các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận thông tin, tìm hiểu và nghiên cứu mô hình. Sau dự án này, VEC sẽ tiếp tục thực hiện nhượng quyền khai thác cao tốc thứ 2 là đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!