Ông Yasuo Takahashi, chủ một công ty sản xuất hàng nông sản tại tỉnh Kanagawa. Từ 10 năm trước, công ty của ông bắt đầu trồng rau và hoa quả tại tỉnh Thừa Thiên Huế ở Việt Nam, hai năm gần đây, ông chuyển địa điểm sản xuất về thành phố Đà Lạt.
Ông Yasuo Takahashi, Giám đốc công ty nông sản Kanagawa, Nhật Bản cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp các sản phẩm sạch và an toàn, xem đây là tiêu chí quan trọng nhất. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất ít máy móc được sử dụng trong quá trình canh tác. Chúng tôi dùng nhiều máy móc để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, cùng một lượng lao động nhưng nếu có máy móc hỗ trợ có thể tạo năng suất gấp 2, 3 lần”.
Mặc dù đã qua nhiều năm hoạt động và sản phẩm sản xuất ra đang được thị trường đón nhận, ông Takahashi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô canh tác, mà lý do chủ yếu là vì không thuê được đất và không có nguồn cung ứng hạt giống chất lượng cao, giá rẻ.
“Cái khó nhất của chúng tôi là giá thuê đất ở Việt Nam quá đắt, đắt hơn cả ở Nhật Bản. Giá thuê đất trồng trọt ở khu vực gần Tokyo chỉ hết 100.000 Yen/ha/năm, trong khi ở Đà Lạt cao gấp 2-3 lần. Khi thuê đất, chúng tôi còn phải trả tiền thuê 20-30 năm một lúc, trong khi ở Nhật chúng tôi chỉ phải trả từng năm một. Điều này khiến chúng tôi không sản xuất được nông sản giá rẻ, giá nông sản của Việt Nam còn đắt hơn Nhật Bản. Bên cạnh đó chúng tôi cũng không tìm được các công ty Việt Nam cung ứng hạt giống chất lượng tốt, các hạt giống ở Nhật Bản có tỷ lệ nảy mầm và sinh trưởng từ 95-100%, trong khi ở Việt Nam nhiều khi chỉ đạt 10%. Chúng tôi phải mua hạt giống từ các công ty nước ngoài hoặc mang hạt giống từ Nhật Bản sang, nhưng có nhiều loại hạt giống Chính phủ không cho phép mang ra nước ngoài”, ông Yasuo Takahashi, Chủ tịch công ty nông sản Kanagawa, Nhật Bản chia sẻ.
‘ Ảnh: VTV News
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng ông Yasuo Takahashi vẫn rất muốn tiếp tục sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp trồng theo phương pháp Nhật Bản cho thị trường Việt Nam, thị trường mà theo ông đánh giá là có nhiều tiềm năng. Việc sản xuất ở Việt Nam cũng trở nên quan trọng hơn khi Nhật Bản nhiều khả năng sẽ gia nhập TPP và để ngỏ cửa cho sự xâm nhập của hàng nông sản nhập khẩu giá rẻ từ Mỹ và Australia.
Những cánh đồng trồng theo tiêu chuẩn và công nghệ Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam và sẽ còn được nhân rộng nếu có điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều rào cản đối với đầu tư nông nghiệp từ Nhật Bản vào Việt Nam, nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết, có thể Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội đón dòng đầu tư này.