Nhà đầu tư nước ngoài khen ngợi môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Phạm Huyền - Ngọc Tiến - Ngô Thành (VTV4)-Thứ bảy, ngày 21/02/2015 06:00 GMT+7

Ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam.

(VTV.vn) - Môi trường chính trị ổn định, đa dạng các ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt, sức mua tăng trưởng cao... là những điều nhà đầu tư nói về Việt Nam.

Môi trường kinh doanh Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều sự đột phá trong năm 2015 khi vấn đề cải cách thế chế, tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân được xem là mục tiêu hàng đầu hiện nay. Đây là cơ sở tốt cho những bước tiến nhanh hơn của Việt Nam trong năm 2015 với nhiều Hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết. Nhưng điều này cũng đặt Việt Nam trước những thách thức mới về yêu cầu hoàn thiện nhanh hơn nữa môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo đà cho những bước phát triển sắp tới.

Môi trường chính trị ổn định, đa dạng các ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt sức mua tăng trưởng cao là những gì mà nhiều nhà đầu tư miêu tả khi được hỏi về mức độ thuận lợi kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là nhân tố quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư và có ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam nhận xét: "Bắt đầu hoạt động từ năm 2009, những thủ tục xây dựng nhà máy khá nhanh và thuận tiện, chúng tôi được chính quyền địa phương giúp đỡ nhiều. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư thế giới về sử dụng xe 2 bánh với một nhu cầu tiêu dùng mới nên chúng tôi có ý định đầu tư lâu dài chứ không phải chớp nhoáng rồi bỏ đi".

Khảo sát hơn 600 doanh nghiệp châu Âu, có tới 62% doanh nghiệp nhận định Việt Nam điều kiện kinh doanh tốt, 52% ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn quý trước. Theo Eurocham, sự gia tăng được thúc đẩy bởi kỳ vọng một loạt những hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước cũng như nền tảng kinh tố vĩ mô của Việt Nam ổn định.

Ông Csaba Bundil, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam Chi nhánh Hà Nội nhận định: "Các doanh nghiệp tin rằng tình hình kinh doanh tổng quan ở Việt Nam sẽ cải thiện và do đó thúc đẩy nền kinh tế. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi các doanh nghiệp phản hồi kỳ vọng của họ về tăng số lượng nhân viên, đầu tư, các đơn đặt hàng, doanh thu".

Theo báo cáo thường niên về mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2015, Ngân hàng Thế giới ghi nhận, lĩnh vực mà Việt Nam có cải cách trong quy định kinh doanh là vay vốn. Đồng thời, Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy vậy, thuế vẫn là cản trở lớn nhất với doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam khi mỗi đơn vị phải mất trung bình 872 giờ nộp thuế/năm.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: "Việt Nam có những ưu thế so với quốc gia khác, tuy nhiên chưa phải là mạnh. Theo tôi, để cải thiện mức độ thuận lợi kinh doanh trong thời gian tới, Việt Nam nên tập trung vào 3 lĩnh vực: Thứ nhất là chỉ số về thời gian nộp thuế. Tại Việt Nam, thời gian mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện thủ tục nộp thuế vẫn khá nhiều và trải qua nhiều công đoạn. Thứ hai là các thủ tục khởi nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn còn phức tạp. Thứ ba là vấn đề tiếp cận điện của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế".

Theo các chuyên gia, bên cạnh câu chuyện cải cách thể chế, nhiệm vụ then chốt và thử thách nhất của Chính phủ Việt Nam hiện nay là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển và cạnh tranh thật sự. Điều này sẽ giúp củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực trở thành một quốc gia mạnh hơn về kinh tế và là điểm đến thu hút đầu tư về vốn, kỹ thuật và thương mại.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước