Tốc độ tăng trưởng nhanh, dân số trẻ, sức tiêu dùng lớn, môi trường kinh doanh mở cửa với hàng loạt động thái cải cách thủ tục hành chính, cũng như việc nới room cho nhà đầu tư ngoại… đó là những lý do khiến ông Rao cùng những nhà đầu tư đua nhau tìm đến Việt Nam.
Ông Rao Panidapu, đại diện Tập đoàn Kusto cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư vào các thị trường Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… nhưng Việt Nam giờ là mục tiêu đầu tư hàng đầu của chúng tôi".
Tính đến nay, mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến con số 61 tỷ USD. Việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường là điều cần thiết để thúc đẩy nhà đầu tư mua bán nhiều hơn.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch công ty Stoxplus cho biết: "Đối với thị trường niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 17%, so với Trung Quốc, Thái Lan mức này là cao. Thế nên việc tăng tỷ lệ sở hữu sẽ phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa niêm yết".
Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE: "Phải nâng chuẩn của các cổ phiếu bằng các biện pháp giám sát thị trường, lũng đoạn thị trường, các chuẩn mực kế toán và công bố thông tin phải theo chuẩn mực thế giới".
Chính các nhà đầu tư ngoại cũng đang phàn nàn về hệ thống thông tin hiện nay khi họ gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm hiểu về các doanh nghiệp Việt Nam. Tập đoàn Nikkei - tập đoàn nổi tiếng với thương vụ tỉ đô mua tờ Financial Times mới đây, cũng đã quyết định mua một công ty cung cấp thông tin của Việt Nam Stoxplus với mong muốn sẽ cải thiện được những khiếm khuyết này của thị trường hiện nay.
Ông Sadaharu Shimizu, Giám đốc Nikkei Trung Quốc nói: "Rất nhiều nhà đầu tư Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng lại thiếu thông tin và dữ liệu chuẩn. Đó là lý do chúng tôi đầu tư vào lĩnh vực này".
Ước tính, sau Nghị định 60 về nới room cho nhà đầu tư ngoại, tỷ lệ cổ phiếu được chuyển nhượng đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng thêm đến 10 tỷ USD. Đây thực sự là cơ hội vô cùng lớn cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.