Lần đầu tiên, ngành giao thông vận tải đồng loạt triển khai dự án cao tốc đường bộ lớn nhất từ trước đến nay. Riêng dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đã có chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư trên 118.000 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước và hơn 63.000 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách theo hình thức hợp tác công tư hay (còn gọi là dự án PPP).
Theo các chuyên gia giao thông, các đoạn dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông được thực hiện theo hình thức PPP có tính khả thi rất cao so với các dự án cùng hình thức đầu tư trước đây. Chẳng hạn, trong tổng vốn đầu tư của 5 đoạn dự án thì vốn ngân sách Nhà nước đã là trên 20.000 tỷ đồng, chiếm tới già nửa. Các nhà đầu tư chỉ phải bỏ chưa đến 1 nửa vốn còn lại và đây cũng là các dự án lần đầu tiên được giao mặt bằng sạch để thi công. Ưu đãi và lợi thế nhiều như vậy nhưng nguy cơ teo tóp các dự án PPP cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông vẫn đang ngày càng hiện hữu.
Trước đây, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xã hội hóa thường vay tới 80% vốn ngân hàng. Nhưng với các dự án PPP cao tốc Bắc Nam phía Đông, nguồn vốn vay chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy tỷ lệ vay vốn thấp hơn nhưng hiện nhiều ngân hàng có hệ số an toàn vốn đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng cho lĩnh vực này nên các dự án PPP không con dễ tiếp cận vốn.
Không những thế, các ngân hàng thương mại còn có hàng loạt những lo ngại khác khi cho vay các dự án này bởi họ phải tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.
Đã có nhiều đề xuất được đưa ra để tháo gỡ cho các vướng mắc nêu trên, đặc biệt là trong bối cảnh các ngân hàng hiện thừa vốn, không cho vay ra được vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong khi các dự án PPP lại không thu xếp được vốn vay.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Ngân sách của Chính phủ có giới hạn trong khi ngân hàng có tiền nhưng độ rủi ro cao, làm sao để hai bên gặp nhau. Cần động viên nguồn lực của các ngân hàng vì ngân hàng hiện taị đang có rất nhiều tiền nhưng phải bảo đảm số tiền họ bỏ vào có độ rủi ro có thể chấp nhận được và họ kiểm soát được rủi ro đó".
Đại diện Bộ GTVT cũng cảnh báo, những nhà đầu tư đã được ký kết hợp đồng nếu không thu xếp được nguồn vốn trong thời gian quy định sẽ buộc phải thu hồi hợp đồng dự án. Như vậy, lại có thêm nguy cơ thu hẹp số lượng dự án PPP trong cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.
Ngay khi mới triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ GTVT kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia bởi lẽ đây là dự án đã được giải phóng mặt bằng sạch và tỷ lệ vốn tham gia của nhà đầu tư thấp hơn nhiều so với các dự án khác. Tuy nhiên đến nay số lượng đoạn dự án được đầu tư theo hình thức PPP đã giảm và số lượng các đoạn phải chuyển sang đầu tư công lại tăng lên.
PPP ngày càng thu hẹp trong cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Từ cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết xây dựng Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông chỉ có 3/11 đoạn dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách, 8 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư hay còn được gọi là PPP.
Tuy nhiên, do những khó khăn về huy động vốn nên vào giữa năm nay, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chuyển đổi 3 đoạn dự án từ hình thức đầu tư PPP sang sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Tuy toàn dự án đã có tới 6/11 đoạn đường được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, nhưng các dự án PPP vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, trong nửa đầu tháng này bộ Giao thông Vận tải đã kết thúc chấm thầu 5 đoạn dự án đầu tư theo phương thức PPP, kết quả có 4 đoạn dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, riêng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư tham gia các đoạn dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, Bộ GTVT cho biết sẽ áp dụng phương án thu phí phí kín và cho thực hiện theo tăng phí theo hợp đồng ký kết. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ chung của dự án, đối với đoạn dự án hiện chưa có nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT đã báo cáo thủ tướng và khả năng sẽ lại phải chuyển đổi hình thức đầu tư dự án PPP để đảm bảo toàn bộ dự án cao tốc Bắc Nam phía đông hoàn thành đúng theo kế hoạch đã đề ra là vào năm 2022.
Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 3/11 với khách mời là TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia và PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ phân tích cụ thể hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!