Các câu lạc bộ lớn hưởng lợi từ Super League
Tạm bỏ qua những tranh luận đúng sai, có thể thấy yếu tố tài chính là vấn đề được quan tâm nhất, khi giải đấu Super League được kỳ vọng sẽ mang lại cho các câu lạc bộ tham gia số tiền hàng tỷ Euro.
Theo Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), trong mùa giải 2019 - 2020, các giải đấu cúp châu Âu, bao gồm Champions League đã mang lại nguồn doanh thu 3,25 tỷ Euro. Hơn 2 tỷ Euro trong số này được dành để chia cho 32 câu lạc bộ tham gia.
12 đội bóng vẫn tuyên bố hình thành European Super League, bất chấp lời đe dọa bị cấm đoán từ FIFA lẫn UEFA. (Ảnh: Marca)
Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ bé nếu đặt lên bàn cân với Super League, giải đấu được kỳ vọng có thể mang lại nguồn doanh thu 10 tỷ Euro, nếu phát triển đúng hướng. Nhóm câu lạc bộ sáng lập giải đấu cũng sẽ nhận được 3,5 tỷ Euro từ ngân hàng JP Morgan để nâng cấp cơ sở hạ tầng và bù đắp thiệt hại tài chính do đại dịch.
Ước tính, số tiền đội vô địch Super League được hưởng có thể lên tới 400 triệu Euro, cao gấp hơn 3 lần đội vô địch Champions League.
Khó khăn tài chính - Động lực lớn cho các câu lạc bộ
Kế hoạch Super League được công bố đúng vào thời điểm các câu lạc bộ bóng đá, dù giàu có nhất, vẫn đang phải vật lộn với những khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngoại trừ Liverpool chưa công bố báo cáo tài chính, 11 đội bóng còn lại trong nhóm sáng lập Super League đã lỗ ròng tổng cộng 1,2 tỷ Euro (trước khi bán cầu thủ) trong mùa giải 2019 - 2020.
Rõ ràng, với các câu lạc bộ, Super League được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để họ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Perez (trái) và Agnelli (phải) là những người đứng đầu Super League. (Ảnh: EPA)
"Các câu lạc bộ quan trọng tại Anh, Italy và Tây Ban Nha cần phải tìm ra một giải pháp cho tình trạng tồi tệ mà bóng đá đang phải trải qua. Hiệp hội các câu lạc bộ bóng đá châu Âu cho biết khoản lỗ đã lên tới 5 tỷ Euro. Chỉ riêng tại Real Madrid, trong 2 mùa giải qua, chúng tôi đã mất tới 400 triệu Euro", ông Florentino Perez, Chủ tịch Super League và câu lạc bộ bóng đá Real Madrid, chia sẻ.
Những khó khăn cho phần còn lại nếu Super League trở thành sự thực
Các câu lạc bộ lớn có lý của mình bởi họ là các doanh nghiệp và cần phải ưu tiên mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, thế giới bóng đá không chỉ là câu chuyện của riêng các đội bóng lớn, mà còn cả các tổ chức bóng đá, các câu lạc bộ nhỏ và là cả người hâm mộ. Đây sẽ là những đối tượng phải gánh chịu nhiều thiệt hại nếu Super League trở thành sự thực.
Theo tạp chí Forbes, Super League sẽ là mối đe dọa thực sự đối với UEFA và các hiệp hội bóng đá tại châu Âu. Sự thiếu vắng các câu lạc bộ lớn và các siêu sao bóng đá như Ronaldo, Messi sẽ khiến chất lượng của những giải đấu như Champions League sụt giảm mạnh, kéo theo sự tuột dốc về doanh thu.
"Giá trị của Champions League, Europa League từ góc độ truyền hình và thương mại sẽ giảm đi rất nhiều nếu các đội bóng hàng đầu không còn thi đấu tại đó", ông Chris Winn, Trường Đại học Kinh doanh bóng đá (UCFB), chia sẻ.
Các đội bóng nhỏ tại Anh, Italy, Tây Ban Nha cũng là đối tượng sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại, khi giải đấu trong nước không còn nhiều tính hấp dẫn.
Ngay trước trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh với Liverpool, câu lạc bộ Leeds United đã phản đối Super League bằng các khẩu hiệu: "Kiếm tiền ngay trên sân cỏ. Bóng đá dành cho người hâm mộ" hay "Nói không với Super League".
Theo tạp chí Forbes, Super League sẽ là mối đe dọa thực sự đối với UEFA và các hiệp hội bóng đá tại châu Âu. (Ảnh minh họa: AP)
"Super League có thể làm gia tăng sự chênh lệch giữa các đội bóng hàng đầu và phần còn lại. Các đội bóng lớn sẽ có nguồn tài chính dồi dào hơn để mua cầu thủ và dễ dàng đánh bại các đối thủ ở giải đấu trong nước. Về lâu dài, sự chênh lệch quá lớn cũng sẽ khiến giá trị các giải đấu giảm xuống", ông Michael Goldberg, Phó Chủ tịch mảng tài chính thể thao, Công ty DBRS Morningstar, nhấn mạnh.
Trong khi một số người hâm mộ kỳ vọng vào một giải đấu hấp dẫn với nhiều cuộc so tài đỉnh cao, phần lớn cổ động viên các đội bóng châu Âu đều bày tỏ lo ngại Super League sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lâu dài của bóng đá.
"Tôi nghĩ điều này không ổn. Tất cả chỉ vì tiền và có lợi cho các đội bóng lớn. Rất nhiều đội bóng khác sẽ bị ảnh hưởng", anh Juan Rubio, người hâm mộ bóng đá Tây Ban Nha, bày tỏ.
"Super League sẽ trở thành một ốc đảo trong bóng đá với nguồn tài chính khổng lồ, còn các giải đấu khác sẽ bị hủy hoại vì chỉ còn lại những đội bóng với ít cầu thủ nổi tiếng hơn và ít nguồn lực tài chính hơn", người hâm mộ bóng đá Italy cho hay.
Cuộc chiến pháp lý giữa các câu lạc bộ lớn và phần còn lại của bóng đá châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt trong thời gian tới. Những quyền lợi khổng lồ về mặt tài chính mà môn thể thao vua đem lại sẽ là rào cản lớn ngăn cản các bên sớm tìm được tiếng nói chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!