Người nuôi tôm hùm bị nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 21/08/2024 15:45 GMT+7

VTV.vn - Nợ dây chuyền trong mua bán thủy sản đang là vấn đề nóng ở Nam Trung bộ.

Nợ dây chuyền trong mua bán thủy sản đang là vấn đề nóng ở Nam Trung bộ. Do phải qua nhiều người trung gian, mua đi bán lại, nên một khi người sau nợ người trước thì dễ dẫn đến nợ dây chuyền. Riêng trong mua bán tôm hùm, đến lúc này, số tiền mà người nuôi tôm hùm bị nợ đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có những vụ việc với dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng.

Cách đây hai năm, sau khi bán tôm hùm cho một thương lái ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, anh Đại bị nợ trên 800 triệu đồng. Hàng chục người khác cũng như anh. Tôm đã bán mà tiền chẳng thấy đâu. Những người nuôi tôm hùm bức xúc vì vựa thu mua cứ chây ỳ, có gặp mặt cũng chẳng lấy được tiền nợ.

Người nuôi tôm hùm bị nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 1.

Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, số tiền bán tôm hùm mà các hộ nuôi bị nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng

Tôm hùm khi đưa ra thị trường phải qua nhiều khâu trung gian. Nợ dây chuyền rất dễ xảy ra. Các công ty xuất bán tôm hùm sang Trung Quốc nợ các đầu mối mua gom. Trong khi người nuôi tôm thì lại không có đủ giấy tờ pháp lý để đòi nợ. Mỗi lần xuất bán, không hề có hợp đồng giao dịch mua bán mà chỉ thể hiện bằng những tờ giấy. Vì vậy, để giảm bớt rủi ro nợ dây chuyền, điều đầu tiên là khâu giao dịch mua bán phải được xác lập theo hướng chặt chẽ hơn về mặt pháp lý.

TS. Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh, Khánh Hòa chia sẻ: "Đầu tiên bà con nuôi trồng thủy sản nên thành lập HTX đại diện giao dịch với doanh nghiệp, bắt buộc phải có hợp đồng, trong đó ràng buộc về mặt pháp lý, trách nhiệm, nghĩa vụ của cả bên mua, bên bán".

Tính chung ở các tỉnh Nam Trung bộ, trong vòng 3-4 năm trở lại đây, số tiền bán tôm hùm mà các hộ nuôi bị nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có những vụ việc mang dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng.

PGS.TS. Võ Văn Nha - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III nhận định: "Một chuỗi thì buộc phải có doanh nghiệp đầu vào, tức là doanh nghiệp cung cấp các vật tư, con giống và doanh nghiệp đầu ra là doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhận thức được điều đó thì bà con hiểu rằng mình phải tham gia vào chuỗi đó".

Hiện tại, trong sản lượng 3.000 tấn tôm hùm mỗi năm, 90% sản lượng xuất bán sang Trung Quốc theo tiểu ngạch với nhiều rủi ro từ giá cả đến nguy cơ bùng nợ. Thay đổi theo hướng chuyên nghiệp từ cách nuôi đến cách đưa thủy sản ra thị trường mới tránh những rủi ro chực chờ do nợ dây chuyền

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước