Quy định trên đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía cộng đồng người nước ngoài và cả các nhà đầu tư bất động sản trong nước, bởi đây là một xu hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời thị trường bất động sản trong nước cũng kỳ vọng sẽ phát triển đa dạng và sôi động hơn nhờ quy định này.
Có kế hoạch định cư lâu dài ở Việt Nam, nên khi biết tin Luật Nhà ở mới của Việt Nam sắp có hiệu lực, anh Anday Carroll - một công dân người Anh, sinh sống tại Việt Nam hơn 4 năm, đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về các quy trình thủ tục liên quan đến sự mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
"Không chỉ tôi mà thế hệ con của chúng tôi có lẽ cũng sẽ sinh sống tại Việt Nam. Cho nên việc mua nhà ở Việt Nam là rất cần thiết. Tôi cảm thấy rất vui mừng và sẽ cố gắng mua nhà sớm nhất có thể sau khi luật này có hiệu lực", anh Anday Carroll nói.
Cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cũng chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, qua đó tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản trung và cao cấp vốn đang bị tồn kho nhiều nhất hiện nay.
Ông Matthew Powell - Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ Bất động sản Savills Hà Nội, cho hay: “Theo khảo sát của chúng tôi, một số lượng lớn các tập đoàn từ Mỹ, Australia và châu Á - Thái Bình Dương rất có nhu cầu mua bất động sản lâu dài tại Việt Nam thay vì đi thuê. Nhu cầu của họ cũng rất đa dạng, từ bất động sản nghỉ dưỡng, chung cư đến khu đô thị phức hợp và các sản phẩm thấp tầng, giúp giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho ở phân khúc trung và cao cấp”.
Thời điểm này, nhiều chủ đầu tư bất động sản cũng đang tích cực tung hàng ra để đón đầu làn sóng của các nhà đầu tư ngoại. Chẳng hạn, Khu đô thị Ecopark ở Hà Nội hiện sở hữu gần 2.000 căn hộ chung cư và nhà mặt đất. Dự kiến ít nhất 10% trong số này sẽ được bán cho đối tượng là Việt kiều và người nước ngoài.
Bất động sản đang là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cho người nước ngoài mua nhà là việc khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Những cải cách pháp lý phù hợp với xu thế chung của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, kích thích đầu tư cũng như tạo ra một môi trường tài chính cạnh tranh hơn và lành mạnh hơn. Và đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!