Một công ty xuất khẩu lao động có hàng trăm lao động đang được đào tạo để chuẩn bị sang thị trường Trung Đông. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ tạm dừng việc đưa lao động sang Trung Đông theo sự chỉ đạo. Về lâu dài nếu tình hình không cải thiện, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tài chính cho người lao động, không để người lao động bị thiệt thòi.
Trước đó, một doanh nghiệp khác cũng đã đưa hàng trăm lao động sang Trung Đông. Hiện doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch để hỗ trợ người lao động trong trường hợp họ phải sơ tán về nước.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, họ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu hủy hợp đồng với các đối tác phía Trung Đông. Bởi trong hợp đồng đều có mục: "nếu do thiên tai, chiến tranh" thì hủy hợp đồng sẽ không bị phạt.
Điều làm họ lo lắng là việc lên phương án chuyển lao động sang các thị trường khác có mức lương và chi phí tương đương với Trung Đông sẽ rất khó.
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trước mắt, việc an toàn cho người lao động phải được đặt lên hàng đầu, do vậy Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp phải lên phương án di dời, sơ tán người lao động, đề phòng diễn biến xấu xảy ra. Trong thời gian tới, tùy tình hình sự việc, Bộ sẽ có chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên quan điểm là phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hiện Việt Nam có khoảng 10.000 người đang làm việc tại khu vực Trung Đông. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng thông tin thêm, toàn bộ số lao động trên hiện vẫn đang làm việc và sinh sống bình thường, chưa có nhiều xáo trộn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!