Ông Htin Kyaw là Tổng thống dân sự đầu tiên được người dân bầu ra trong tiến trình hướng tới nền dân chủ mới. Trước đó vị Tổng thống mới của Myanmar đã tuyên bố rút ngắn cơ cấu chính phủ từ 32 Bộ trưởng xuống còn 18 Bộ trưởng.
Mở toang cánh cửa ra bên ngoài sau 2 thập kỷ bị bao vây cô lập cùng việc thực hiện nhiều chính sách cải cách, bức tranh kinh tế Myanmar hiên tại đã có nhiều khởi sắc với tốc độ tăng trưởng GDP 8.5% trong năm 2014.
Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Myanmar cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 8 tỷ USD trong năm vừa qua, gấp 25 lần trước cải cách. Với nhiều chính sách cởi mở, thu hút nhân tài, người trẻ Myanmar đi học ở nước ngoài, đã đua nhau trở về quê hương để lập nghiệp.
“ Đất nước đang thay đổi rất nhiều. Thay vì muốn ở lại làm việc ở Mỹ, tôi muốn quay trở lại quê hương. Còn quá nhiều lĩnh vực cần lấp đầy. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm để thực hiện nó”, một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cho biết.
Tương tự, các doanh nghiệp cũng đặt không ít niềm tin vào sự đổi mới của Myanmar.
“ Chúng tôi hy vọng, chính phủ Myanmar sẽ tiếp tục gửi đi thông điệp, Myanmar là một đất nước ổn định. Hiện, đang có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản muốn đầu tư vào Myanmar", ông Hirokazu Yamaoka, Giám đốc Văn phòng quản lý giao dịch ngoài Nhật Bản cho biết.
Tuy nhiên cũng còn rất nhiều ý kiến hy vọng chính phủ mới tiếp tục mở cửa kinh tế sâu rộng hơn nữa.
“ Chính phủ vẫn còn kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Tôi nghĩ cần tăng cường tư nhân hóa để hướng tới một nền kinh tế thị trường thực sự”, một tiểu thương tại Myanmar đề xuất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online