Người dân ngỡ ngàng trước đề nghị xuất khẩu vàng cho Tập đoàn Besra

Đỗ Vinh - Đình Hiệp (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 07/11/2015 10:49 GMT+7

VTV.vn - Trước đề nghị xuất khẩu vàng cho Tập đoàn Besra của Ngân hàng Nhà nước, chính quyền cũng như nhân dân và cơ quan thuế của tỉnh Quảng Nam đều cảm thấy ngỡ ngàng.

Tại Quảng Nam, việc tập đoàn Besra - chủ sở hữu hai công ty vàng lớn nhất Việt Nam là Bồng Miêu và Phước Sơn nợ gần 400 tỷ tiền thuế luôn là đề tài nóng trong dư luận thời gian qua.

Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại Nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn ở Quảng Nam, đã từng có đến 7 tấn vàng thỏi là tài nguyên của quốc gia được chuyển ra nước ngoài. Trớ trêu thay, vàng này liên tục được xuất bán nhưng lại báo cáo lỗ vốn và không có khả năng nộp thuế.

Tính đến thời điểm hiện tại, hai nhà máy vàng này còn nợ tỉnh Quảng Nam hơn 400 tỷ đồng tiền thuế. Lãnh đạo hai huyện sở hữu mỏ vàng như Phước Sơn và Phú Ninh kiến nghị thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động các doanh nghiệp này.

Nợ thuế kéo dài, Cục thuế Quảng Nam tiến hành cưỡng chế theo luật định. Tháng 10/2014, sau một thời gian đóng cửa, Nhà máy vàng Bồng Miêu hoạt động trở lại. Trong khi Cục thuế Quảng Nam đang đề xuất thu hồi giấy phép, kê biên để cưỡng chế tài sản thì mới đây, Ngân hàng Nhà nước lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho hai nhà vàng này xuất khẩu hơn 400kg vàng. Đề nghị này đồng nghĩa với việc dừng cưỡng chế hóa đơn. Trước đề nghị bất ngờ trên, Cục thuế Quảng Nam kiên quyết đòi nợ đến cùng và đã có văn bản chính thức gửi Ngân hàng Nhà nước.

Được biết trước đó, Tổng cục Thuế cũng có công văn đề nghị Cục thuế Quảng Nam cho phép Nhà máy vàng Bồng Miêu sử dụng hóa đơn bán lẻ cho từng lần bán sản phẩm. Tuy nhiên, Cục thuế Quảng Nam phản bác. Sau đó, Tổng cục Thuế thu hồi văn bản trên.

Theo cơ quan chức năng, ngoài nợ thuế 400 tỷ đồng, Nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn cũng nợ các doanh nghiệp tại địa phương số tiền lên đến 600 tỷ đồng. Để có cơ sở kê biên tài sản, Cục thuế Quảng Nam cho rằng, tài sản là thiết bị máy móc của hai nhà máy này trị giá khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên, số tài sản này đã thế chấp ở Ngân hàng Việt Á. Cũng theo cơ quan Thuế, hai nhà máy vàng đang nợ Ngân hàng Việt Á không dưới 10 triệu USD. Trong trường hợp hai nhà máy vàng này bỏ của chạy lấy người, theo luật, Ngân hàng Việt Á sẽ là chủ sở hữu tài sản trên. Như vậy, số nợ gần 1.000 tỷ đồng gồm thuế và các doanh nghiệp sẽ mất trắng.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước