Người dân Mỹ Latinh “nghiện” các nền tảng trực tuyến giá rẻ

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 15/11/2024 14:47 GMT+7

VTV.vn - Người dân Mỹ Latinh đã chi khoảng 122 tỷ USD cho các giao dịch mua hàng trực tuyến vào năm 2022, con số này dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2026.

Nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, hiện nay đang hình thành thói quen chỉ mua sắm trên mạng bởi rẻ, tiện, mua sắm được cả khi đang rảnh rỗi ở bất cứ đâu, kể cả lúc lên giường đi ngủ. Thế nhưng, có lẽ không nhiều người biết rằng xu hướng mua hàng trên mạng đang gây tổn hại cho các ngành sản xuất trong nước, cho môi trường và cho chính sức khỏe tâm thần của mỗi người.

Cô Isidora Olave (Chile) cho biết, cô đã nhận được một gói hàng gồm một chiếc áo phông, một chiếc váy và một nắm nhãn dán lấp lánh được chuyển đến tận cửa nhà cô ở Santiago, thủ đô Chile, cách xa nơi bán gần 20.000 km.

Giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, cô sinh viên nha khoa 20 tuổi này cho biết cô không còn nhu cầu mua sắm ở trung tâm thương mại nữa. Thay vào đó, cô mua "thời trang siêu nhanh" giá rẻ và tiện lợi trên các nền tảng thương mại điện tử.

Cô đã trả 15 USD (380.000 đồng) cho đơn hàng, bao gồm cả phí vận chuyển, chỉ bằng một nửa giá của những mặt hàng tương tự tại một cửa hàng nơi cô sinh sống.

Theo nền tảng dữ liệu Statista, người dân Mỹ Latinh đã chi khoảng 122 tỷ USD cho các giao dịch mua hàng trực tuyến vào năm 2022, con số này dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2026.

Đây là xu hướng tiêu dùng phát triển nhanh, cùng với lượng khí thải carbon khổng lồ và hậu quả đáng lo ngại đối với các ngành sản xuất, thương mại trong nước.

Người dân Mỹ Latinh “nghiện” các nền tảng trực tuyến giá rẻ - Ảnh 1.

Người dân Mỹ Latinh đã chi khoảng 122 tỷ USD cho các giao dịch mua hàng trực tuyến vào năm 2022, con số này dự kiến sẽ tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2026.

Liên Hợp Quốc cho biết ngành thời trang tạo ra khoảng 10% lượng khí thải carbon làm nóng hành tinh mỗi năm - nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải cộng lại.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, hàng năm, khoảng 85% tất cả các loại hàng dệt may được bán trên toàn cầu đều kết thúc ở các bãi chôn lấp hoặc bãi rác. Hầu hết là ở các nước đang phát triển như Chile - quê hương cô Olave , nơi có sa mạc Atacama với những núi quần áo bị vứt bỏ ngày càng nhiều.

Các nền tảng thương mại điện tử dựa vào công thức giá sản phẩm thấp, tiếp thị trên mạng xã hội và các thỏa thuận có lợi với các công ty vận chuyển. Doanh số bán hàng của họ cũng được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người phải mua sắm tại nhà.

Tại trạm kiểm soát hải quan của sân bay thủ đô Chile, số lượng bưu kiện được nhận đã tăng khoảng 1.000 phần trăm trong năm năm.

Bà Maria Jose Rodriguez - Văn phòng Hải quan thủ đô Santiago, Chile cho biết: "Cơ quan Hải quan phải đối mặt với thách thức đáng kể khi phải giải quyết mọi rủi ro liên quan khi lượng hàng hóa tăng đáng kể. Chúng tôi đang chứng kiến lượng hàng hóa nhập khẩu tăng lên nhằm trốn thuế và các tội phạm liên quan như buôn bán ma túy, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, cùng nhiều tội danh khác".

Các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro tâm lý tiềm ẩn liên quan đến chứng nghiện mua sắm trong một thế giới mà các hoạt động tiếp thị ngày càng len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống cá nhân.

"Đây hoàn toàn là vấn đề về cơ hội, một sự giao thoa của nhiều cơ hội, một mặt, với một ưu đãi rất rẻ. Mọi người đã ngừng coi quần áo là một sản phẩm bền và thay vào đó họ coi đó là sản phẩm dùng một lần. Do đó, họ không ngần ngại mua một sản phẩm có giá rất thấp, hợp mốt, mà không phải chịu chi phí cao", bà Sofia Calvo - Chuyên gia tư vấn về thời trang bền vững nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước