Mỗi năm có hàng nghìn phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ để chờ thanh lý, qua thời gian, chúng bị xuống cấp, gây lãng phí lớn. Nhiều xe vi phạm có trị giá hàng chục triệu đồng, tuy nhiên đã nhiều năm chủ sở hữu những chiếc xe này không quay lại và chúng đã bị xuống cấp trầm trọng. Tại một bãi xe, khoảng 2.000 trường hợp xe xuống cấp tương tự đã được ghi nhận. Chủ bãi xe cho biết, trong 10 xe được đưa vào, có khoảng 4 - 5 xe không có chủ đến nhận, khiến bãi xe luôn trong tình trạng quá tải.
Theo thống kê từ Bộ Công an, hiện cả nước có trên 300.000 phương tiện ô tô, xe máy bị thu giữ, khoảng 30% trong số này đã bị bỏ lại. Năm 2019, riêng đối với Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, đã có hơn 2.700 phương tiện bị xử lý không có người đến lấy. Nhiều phương tiện đã không còn khả năng sử dụng. Tuy nhiên, để trông giữ "đống sắt vụn" này, Công an thành phố Hà Nội đã phải ký hợp đồng với gần chục bãi trông giữ xe. Ước tính mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi ra cả chục tỷ đồng trong việc bảo quản, trông giữ, xử lý các phương tiện.
Để hạn chế thực trạng trên, nghị định mới đã đưa ra một số nội dung nhằm hạn chế những thiệt hại. Cụ thể, thay vì cho thời gian chờ tới 1 năm như trước đây, nay những phương tiện bị tạm giữ nếu quá 30 ngày mà chủ xe không đến nhận sẽ bị tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ. Theo các luật sư, việc cho phép được bảo lãnh là một giải pháp cần thiết để rút ngắn được các thủ tục hành chính như hiện nay. Nếu xử lý kịp thời, rút bớt thời gian tạm giữ, mỗi năm nguồn thu ngân sách Nhà nước sẽ có thêm hàng trăm tỷ đồng từ việc thanh lý những chiếc xe vi phạm bị bỏ lại, tiết kiệm tiền thuê bến bãi cũng như người trông giữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!