Những bình luận trên báo chí Anh tuần qua có đồng ý với điều này?
Anh được coi như một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới. Người ta nghe ngóng sức khoẻ hoạt động các ngân hàng, tập đoàn tài chính vì nó quyết định không nhỏ đến diễn biến chung của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng, một trung tâm tài chính danh tiếng, lâu đời, với quy mô ngày càng mở rộng, đang bị cho là kéo lùi tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Một điều nghe tưởng chừng rất vô lý.
Khó có thể không lưu tâm đến điều tưởng chừng vô lý này, vì nó đến từ nghiên cứu của một trong những cơ quan quốc tế uy tín, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Bloomberg trích lời cơ quan này cho rằng, các nước với ngành ngân hàng phát triển mạnh, trong đó có Anh, sẽ đối mặt với thực tế tốc độ tăng trưởng chậm hơn và bất bình đẳng cao hơn các nước khác.
Hoạt động tài chính là yếu tố không thể thiếu với tăng trưởng kinh tế, nhưng ở Anh, ngành này đang phát triển quá cỡ và mang những rủi ro kèm theo sự mở rộng của nó. Guardian lý giải rằng, hệ thống ngân hàng khổng lồ hiện đang có xu hướng cho vay quá nhiều, một phần do luôn yên tâm với sự đảm bảo hậu thuẫn từ phía chính phủ, kể cả khi gặp khủng hoảng. Tiền đang được bơm quá nhiều vào các tài sản đầu tư không bền vững, thay vì các ngành tạo ra tăng trưởng thực.
Còn lý giải về sự bất bình đẳng xã hội tạo ra bởi một nền kinh tế dựa quá nhiều vào tài chính, tờ Guardian lấy dẫn chứng về thu nhập của các nhân viên ngân hàng và người làm các công việc khác. Theo đó, thu nhập thấp nhất của các nhân viên ngành tài chính, vẫn cao hơn 15% so với nhân viên các ngành khác. Ở những người thu nhập top trên, khoảng cách thậm chí là 40%.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với việc là nhân viên ngành tài chính làm việc ở London thì sẽ giàu hơn người khác. Tờ City buổi sáng trích một nghiên cứu khẳng định, dù thu nhập trung bình ở mức cao nhất nước, các chuyên gia làm việc ở London vẫn là những người nghèo nhất nước Anh. Tờ này trích dẫn số liệu thu nhập và các khoản chi tiêu hàng tháng như thuê nhà, phí dịch vụ, phí đi lại… số tiền còn lại thậm chí là âm. Kết luận là, cứ không phải càng nhiều nhân viên ngân hàng thì đồng nghĩa với càng nhiều người giàu.
Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD trả lời Guardian rằng, hoạt động tài chính tại London không nhất thiết phải lớn như bây giờ. Thêm nữa, cần có sự can thiệp về chính sách, để vừa duy trị vị thế ngành này, nhưng không phải tất cả tiền chỉ đổ vào hệ thống tài chính mà quên đi các lĩnh vực tăng trưởng thực khác.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.