Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam chuẩn bị đón khách tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: TTXVN)
Đây là đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế" diễn ra chiều 30/5 tại Bình Định do Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) phối hợp cùng Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức.
Theo đánh giá của ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không phải sẵn sàng khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở các nước, các rào cản nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ. Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ.
"Dù chưa biết chắc chắn thời điểm nhưng chúng tôi trăn trở tìm cách khôi phục đường bay như trước khi có dịch COVID-19. Bây giờ, chúng ta vẫn duy trì chuyến bay quốc tế chở hàng đến và đi nhưng khách nhập cảnh vẫn hạn chế. Việt Nam vẫn chưa khuyến khích nhập cảnh và kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hướng tới tương lai. Hiện tại, có thể suy nghĩ tạo dựng khu vực đi lại an toàn giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Chúng ta cũng đang nghiên cứu để xây dựng đường bay chở khách an toàn với Pháp. Việt Nam cũng cần phát triển cơ sở hạ tầng để trở lại mạnh mẽ sau dịch COVID-19", ông Võ Huy Cường chia sẻ.
TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế cho biết, ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi. Hy vọng, tình cảnh của ngành hàng không sẽ chỉ như cái cây thiếu nước nhưng bộ rễ vẫn tốt, chỉ cần có một cơn mưa là có thể đâm chồi nảy lộc.
Do đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, hiện tại việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu chấm hỏi, vì vậy, chúng ta nên thúc đẩy hàng không nội địa. Ngành hàng không, các địa phương cần kết hợp với nhau để tạo cú hích phát triển, giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy. Tiếp theo, chúng ta cũng cần phải thay đổi trật tự ngành hàng không, sắp xếp lại các đường bay, chuyến bay cho hiệu quả.
Để phục hồi ngành hàng không và du lịch, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta có thể hướng du lịch đến thị trường Đông Nam Á và Đông Bắc Á, sau mới đến châu Âu, trong đó, có thể đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam. Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với COVID-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh, sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiểm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn. Nhưng câu hỏi đặt ra là khách du lịch nước ngoài liệu có chấp nhận quy trình kiểm tra như vậy vì họ phải được tự do di chuyển, muốn đi tham quan di sản, tìm hiểu văn hóa. Hiện nay, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) đánh giá, về phương diện kinh tế học, ngành hàng không có thể coi là quan trọng nhất. Thực tế, nếu ví ngành hàng không như một đất nước, nó có thể được xếp hạng thứ 20 về kích thước theo GDP, cùng hạng với Thụy Sĩ và Argentina. Nhưng thật không may, virus Corona đang gây nên rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho các hãng hàng không, các sân bay, và cả hành khách.
Dưới góc độ doanh nghiệp làm du lịch, bà Đoàn Thị Lộc, Phó Giám đốc Saigon Tourist cho biết, việc các hãng hàng không tung ra nhiều ưu đãi về vé máy bay cũng như kết hợp với nhiều ưu đãi về nghỉ dưỡng, tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch của các công ty lữ hành.
"Giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour. Vì vậy, các công ty thường đàm phán giá cả với nhà hàng, khu vui chơi giải trí... nhằm xây dựng những sản phẩm tốt, kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Với việc các hãng hàng không đưa ra vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều", bà Đoàn Thị Lộc nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!