Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc người dân không vay tiền nhưng vẫn mắc nợ

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 02/10/2020 19:11 GMT+7

VTV.vn - “Đó chắc chắn là lừa đảo, hoặc lợi dụng sơ hở của NHTM để lừa đảo. Các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để điều tra, xử lý” - ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN nói.

Chiều nay (2/10), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, vấn đề định danh khách hàng, người dân không vay tiền nhưng vẫn bị mắc nợ được đưa ra và đề nghị làm rõ.

Trả lời câu hỏi trên, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: "Việc khách hàng không vay nhưng vẫn mắc nợ chắc chắn là bị lừa đảo, hoặc lợi dụng sơ hở của ngân hàng thương mại để lừa đảo. Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo để các tổ chức tín dụng cảnh giác".

Ông Tú thông tin, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới các tổ chức chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Các cơ quan chức năng đã và sẽ vào cuộc để điều tra, xử lý.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc người dân không vay tiền nhưng vẫn mắc nợ - Ảnh 1.

Vấn đề định danh khách hàng, người dân không vay tiền nhưng vẫn bị mắc nợ được phản ánh nhiều trong thời gian qua.

Cũng theo Phó Thống đốc NHNN, hiện nay cả nước có 37 tổ chức tham gia vào cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó không bao gồm các ngân hàng. Theo quy định, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng, cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên internet...

Về quản lý Nhà nước, NHNN đã và đang nghiên cứu xây dựng 1 Thông tư mới để thay thế Thông tư 23 ban hành năm 2014. Thông tư mới đang được lấy ý kiến các và cố gắng ban hành trong tháng 10 năm 2020.

"Trong Thông tư có nhiều nội dung mới, trong đó có quy định lưu trữ về thông tin định danh của công dân, đảm bảo giải pháp về mặt công nghệ..." - ông Tú nói và cho biết NHNN đã và đang cùng các Bộ ngành rà soát và xây dựng lại hệ thống để quản lý các tổ chức trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc NHNN cho hay thời gian vừa qua có rất nhiều tổ chức không phải ngân hàng nhưng đã tham gia trung gian thanh toán tích cực, hành lang pháp lý đang được hoàn thiện để quản lý chặt chẽ hơn đối với các tổ chức trung gian thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc người dân không vay tiền nhưng vẫn mắc nợ - Ảnh 2.

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10.

Cũng tại cuộc họp báo chiều nay, đề cập tới tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng năm 2020 và giải pháp cho những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết diễn biến đang có những tín hiệu rất tích cực.

"Tới thời điểm đầu tháng 10 tăng trưởng tín dụng là 6,1%, trong khi đó vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 tăng trưởng chỉ đạt 4,3%, mức tăng trưởng đã tăng lên đến thời điểm này là 1,8%" – ông Tú thông tin.

Lãnh đạo NHNN cho biết trong tháng 9 có dấu hiệu tích cực trong tiếp cận vốn, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ, viễn thông, giao thông... Doanh nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực và linh hoạt, sẵn sàng tiếp cận các khoản vay mới.

"Thời gian sắp tới, nếu điều kiện dịch kiểm soát tốt và lĩnh vực xuất khẩu tốt như hiện nay thì dư nợ tín dụng là tăng khoảng 5,8%; tăng trưởng tín dụng bình quân trong năm 2020 khoảng từ 8 -10%, trong đó nhiều khả năng là đạt trên 9%" - ông Tú nói.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ cơ cấu lại những khoản nợ, khoản lãi đến hạn, nhưng quan trọng nhất là giảm lãi suất.

"Từ đầu năm đến nay NHNN đã điều hành giảm lãi suất 3 lần. Đây là điều kiện tốt cho các ngân hàng thương mại, hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn, tạo điều kiện cho tín dụng mở rộng, giúp cho doanh nghiệp, thuế khởi sắc hơn" - ông Tú thông tin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước