Năng suất dệt may, góc nhìn từ một nhà máy

Lê Tuyển-Thứ ba, ngày 24/12/2013 11:52 GMT+7

Dệt may vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, trong rất nhiều khó khăn hiện nay, dệt may đang phải đi tìm câu trả lời làm gì để tăng năng suất lao động?

Những ngày cuối năm này, những công nhân tại Nhà máy May 10 đang gấp rút hoàn thành đơn hàng từ nước ngoài và thời gian trả hàng là 71 ngày. Theo đúng quy trình, mỗi đơn hàng của nhà máy sau khi trừ tất cả các công đoạn, chỉ còn 20 ngày dành cho sản xuất. 20 ngày không có rủi ro về con người và thiết bị thì mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Nhằm tăng năng suất và khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân công, nhiều nhà máy dệt may hiện nay của Việt Nam đang áp dụng quy trình Lean Manufacturing (sản xuất tinh gọn), tức loại bỏ tất cả những lãng phí trong quá trình sản xuất như các thao tác thừa, loại bỏ tối đa thời gian dừng máy. Ngay lập tức, các biểu ngữ về quy trình Lean được thấy ở khắp nơi và người lao động cũng đang dần làm quen với quy trình được giới công nghiệp thế giới biết đến từ những năm 1990.

Anh Nguyễn Xuân Luận, Công nhân nhà máy May 10 chia sẻ: “Từ khi áp dụng Lean, chúng tôi thấy hiệu quả cao hơn, thu nhập ổn định”.

‘ Một góc của Nhà máy May 10. Ảnh: HNM

Nói một cách đơn giản, áp dụng Lean có nghĩa là thời gian để hoàn thiện 1 chiếc sơ mi sẽ được rút ngắn lại còn 696 giây - tức hơn 11 phút. Như vậy, sức lực con người không thể làm nhanh hơn được nữa, chỉ còn cách tinh gọn ở các khâu khác để dồn thời gian nhiều hơn cho sản xuất, hoặc là đầu tư nhiều hơn vào mua các thiết bị hiện đại. Nhưng đầu tư bao nhiêu và đâu tư từ đâu cần có sự nghiên cứu bài bản chứ không thể dựa trên những sáng kiến của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ: “Những thay đổi trong quy trình sản xuất của chúng tôi đều do sự sáng tạo của người lao động mà ra. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài, chúng tôi mong muốn có sự tham gia thực sự của các nhà nghiên cứu, những người vừa có thực tế dệt may, vừa có trình độ nghiên cứu thực sự. Có như vậy, năng suất của ngành mới có thể cạnh tranh được”.

Hiện nay theo thống kê chưa chính thức, có khoảng 75% doanh nghiệp Việt Nam áp dụng quy trình Lean nhưng mới chỉ có 2% là thành công. Điều này cho thấy, dù một quy trình có được coi là tối ưu, nếu không có sự nghiên cứu, ứng dụng bài bản vào điều kiện của từng doanh nghiệp thì quy trình đó cũng sẽ chỉ được coi như phong trào.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước