Nhật Bản và nhiều nước khác đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc chuyển đổi các dạng năng lượng thay thế. Vậy còn Việt Nam thì sao, nhất là khi các nguồn năng lượng chính như dầu mỏ, khí thiên nhiên hay than đá ngày càng cạn kiệt?
Thực tế, các dự án từ thủy điện đã được khai thác tối đa, các dự án nhiệt điện than phải đối mặt với áp lực về môi trường, trong khi nguồn năng lượng hạt nhân cũng đã tạm dừng. Bởi vậy, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng từ gió, mặt trời không chỉ là hướng đi khả quan mà nhiều quốc gia đang hướng đến, mà còn là xu hướng tất yếu của Việt Nam.
Hiện nay, 77 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng gió và năng lượng mặt trời lớn nhỏ đã được đăng ký đầu tư tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 5.000MW. Các dự án này chủ yếu được đầu tư xây dựng ở các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau. Những dự án này đã đánh dấu việc tham gia và đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng phát triển điện gió của Việt Nam có thể lên tới 500.000 MW, gấp hơn 200 lần công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La. Một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới - WWF đã chỉ ra rằng, năng lượng tái tạo hoàn toàn có khả năng cung ứng 100% điện năng tại Việt Nam vào năm 2050 - một con số rất đáng để hy vọng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!