Nâng cấp vật liệu nuôi biển thích ứng thiên tai

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/10/2024 06:55 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ dừng ở chuẩn hóa vật liệu nuôi biển thân thiện môi trường mà còn phải tính đến cả giải pháp nâng cấp thiết kế vật liệu lên mức chống chịu bão trên cấp 12.

Hơn 30.000ha vùng nuôi thủy sản thiệt hại, tương đương gần 6.200 tỷ đồng đã bị bão số 3 cuốn trôi. Cơn bão vừa qua đã đẩy nhiều người nuôi biển vào tình thế nhà và lồng bè trên biển thì bị phá hủy, nhà trên bờ thì thế chấp ngân hàng. Tay trắng sau bão đã đặt ra bài toán phải thay đổi cách thức nuôi. Không chỉ dừng ở chuẩn hóa vật liệu nuôi biển thân thiện môi trường mà còn phải tính đến cả giải pháp nâng cấp thiết kế vật liệu lên mức chống chịu bão trên cấp 12.

Thủ phủ nuôi biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, những ngày qua, nhiều người câu giỏi tập trung để giúp các chủ lồng bè vớt vát được phần nào khi hơn 32.000 tấn hải sản đã thất thoát ra biển. Bắt tay khôi phục sản xuất lúc này, anh Thắng đã phải tính kiên cố lồng bè bằng cách khác để có thể ứng phó với bão.

"Dây tôi buộc chằng vào núi nhưng nó vẫn đánh bay hết. Cơn bão vừa rồi cũng là bài học tôi rút ra kinh nghiệm dùng vật liệu nào đạt chất lượng, bền", anh Châu Văn Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Ngọc Thắng, xã Bản Sen, Vân Đồn, Quảng Ninh chia sẻ.

Cơn bão sẽ còn ám ảnh người nuôi biển và cơn bão cũng giúp họ nhận ra những vật liệu không còn phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn STP cho hay: "Quảng ninh vùng đáy là bùn, dùng hệ cọc sẽ rất yếu, chúng ta phải nâng cấp lồng HDPE lên 1 cấp độ nữa là cấp chống chịu bão, nếu chịu bão thì lắp ghép lego vẫn bị giật ra, chúng ta sẽ phải dùng 1 phương pháp khác đó là hàn nhiệt".

Lồng HDPE, phao nhựa, phao composite đã và đang là tiêu chuẩn trong nuôi biển. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có cơ chế để người dân yên tâm đầu tư.

"Nếu không giao khu vực biển cho dân với thời gian đủ dài thì họ chỉ có thể đầu tư vào những vật liệu liệu bình thường. Chúng tôi đang chuẩn bị phương án tức là đầu tư và thế chấp cái công trình mà sẽ được đầu tư đấy vào ngân hàng để vay vốn. Muốn như thế thì các công trình đó phải có được đăng kiểm", ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho hay.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Đối với nuôi biển, bên cạnh việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo sức chống chịu tốt hơn. Đây cũng là một cơ sở chúng tôi mong rằng các đơn vị bảo hiểm sẽ tham gia cùng".

Tại các nước có ngành công nghiệp nuôi biển như Na Uy, Nhật bản, khi gặp bão gió giật cấp 12 trở lên thì hệ thống lồng bè tự đánh chìm và trở lại bình thường khi bão tan. Là nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để tiếp cận công nghệ. Việc tính toán để vừa đảm bảo hiệu quả vừa thích ứng thiên tai phải là yêu cầu bắt buộc khi bắt tay khôi phục nuôi biển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước