Xuất khẩu gạo thắng lớn
Xuất khẩu gạo năm ngoái tiếp tục lập kỷ lục mới cả về sản lượng và kim ngạch. 9 triệu tấn gạo, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị. Những con số này đã giúp Việt Nam giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Giá gạo xuất khẩu bình quân năm ngoái cũng tăng 16,7% so với năm 2023. Đây là sự bứt phá ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.
Dự báo năm nay, nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường như Philippines, Trung Quốc và Nepal sẽ tăng, thị trường lúa gạo toàn cầu tiếp tục sôi động.
Canh tác hữu cơ trên những cánh đồng lúa
Dự báo năm nay, Ấn Độ có thể xuất khẩu từ 21 - 22 triệu tấn gạo các loại, tăng 5 triệu tấn so với năm ngoái. Việc này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị phần xuất khẩu gạo của các quốc gia khác, trong đó có nước ta. Các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo nhằm khẳng định phân khúc riêng trên thị trường. Và phải bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng, ngay từ những cánh đồng lúa.
Cánh đồng 50 ha của HTX Hưng Lợi gieo sạ vụ thứ hai trong Đề án 1 triệu ha. Đơn vị ứng dụng cơ giới hóa với nhiều phương thức như sạ hàng, hàng biên, vùi phân và không vùi phân để đối chiếu hiệu quả.
Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tập huấn cho bà con nông dân về quy trình canh tác, sử dụng phân bón, thuốc… đều dựa trên quy trình kỹ thuật”.
Qua một vụ thực tế, chi phí đầu tư đã giảm khoảng 30% so với sản xuất truyền thống. Khí phát thải nhà kính giảm từ 3-5 tấn/ha. Đặc biệt, lợi nhuận tăng thêm khoảng 25%. TP. Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long triển khai thí điểm Đề án.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ nhận định: “Từ kết quả mô hình đó, hiện nay, nông dân đã nhân rộng được 5 mô hình và trên 250 ha; thực hiện theo Đề án 1 triệu ha được và được liên kết theo chuỗi sản xuất”.
Giá gạo xuất khẩu bình quân năm ngoái cũng tăng 16,7% so với năm 2023
Ngoài ra, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang được nông dân áp dụng ngày càng nhiều. Anh Thao là một trong những người hưởng ứng tích cực. Vụ rồi, chi phí đầu vào giảm được khoảng 2 triệu đồng/ha, nhưng năng suất tăng khoảng 15%.
Thực hiện mô hình, bà con được doanh nghiệp chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác mới, nâng cao trình độ thâm canh và đặc biệt là sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học để cải tạo đất. Đến nay, doanh nghiệp này đã xây được vùng nguyên liệu trên 7.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Thành Nguyện - Giám đốc Công ty An toàn lương thực sạch Miền Tây, TP. Cần Thơ cho biết: “Công ty đã và đang xây dựng thương hiệu để phát triển sâu vào câu chuyện khẳng định sản phẩm và thương hiệu gạo hữu cơ để được bán giá trị cao. Bà con bán được lúa giá cao”.
Nhiều địa phương đã mở rộng diện tích lúa theo hướng sạch, an toàn. Đến nay, các mô hình canh tác hữu cơ đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của người nông dân.
Gia tăng giá trị hạt gạo
Có gạo sạch, gạo cao cấp, gạo đặc sản, cơ hội mang về trên 1.000 USD/tấn từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản là trong tầm tay. Không dừng ở đây, chế biến thành những sản phẩm như bún, miến, phở... cũng là giải pháp giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.
Với việc tập trung đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến, sản phẩm làng bột truyền thống ngày càng đa dạng, chất lượng nâng cao, ổn định thị trường. Các cơ sở làm nghề ở làng bột trăm tuổi, nổi tiếng này còn nâng cao giá trị hạt gạo từ hàng loạt các sản phẩm sau bột, được thị trường ưa chuộng như bánh canh ống, hủ tiếu, ống hút gạo, nuôi ngũ sắc.
Tháng cuối năm, làng bột nổi tiếng tại thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp lại sôi động hơn hết. Mỗi ngày, cơ sở này sử dụng hơn 2,5 tấn gạo để đảm bảo lượng bột nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng chục mặt hàng thực phẩm tinh chế khô.
Ông Nguyễn Văn Nương - Chủ Cơ sở Sản xuất tinh bột xanh, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Mình mạnh dạn đầu tư thiết bị, bắt đầu gạo cho tới bột rồi làm ra sản phẩm đó. Lợi nhuận thu lại rất cao, tùy theo sản phẩm. Mà từ hạt gạo đưa ra giá trị bột lợi nhuận được 30%. Và khi 30% đó ra tới mặt hàng thì ít nhất cũng phải 20% nữa".
Hiệu quả là vậy, thế nên nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. Như ở cơ sở này, ngày cao điểm có thể sản xuất gần 2 tấn hủ tiếu thành phẩm với giá bán cao gấp hai lần gạo.
Ông Trương Văn Thuận - Cơ sở Hủ tiếu Ba Thuận, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang tâm sự: “Bây giờ, mình lấy gạo ở miền Tây, tấn này ra tấn kia. Còn một lần gạo Gò Cát thì được 1 tấn 2. Giá cả mình bỏ từ 20.000 - 21.000 đồng/kg. Sản lượng tăng lên, đặc biệt mấy ngày cao điểm có thể tăng lên 50%”.
Càng gần về cuối năm, sản phẩm được chế biến từ gạo xuất hiện nhiều hơn. Tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị, nguồn hàng rất phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bịch bánh 150 g, với khoảng 60% nguyên liệu là gạo bán với giá là 19.000 đồng. Như vậy, 1 kg gạo làm bánh, giá có thể tăng thêm gấp nhiều lần. Không chỉ có một mà hàng trăm mặt hàng chế biến từ gạo tương tự như thế này xuất hiện tại siêu thị, vừa góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, vừa tạo đa dạng chủng loại hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng trong dịp xuân về.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!