Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho ngành gạo còn rất lớn khi các nước đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Sau khi nhập khẩu và bàn giao hơn 2.000 tấn gạo thơm sang Malaysia, Công ty Chy Marketing, Singapore đã bay thẳng tới Việt Nam và đến tận các nhà máy gạo ở ĐBSCL để tìm hiểu, xúc tiến các hợp đồng mới.
Ông Suherman - Tổng Giám đốc Công ty Chy Marketing, Singapore cho biết: "Hợp đồng đầu tiên khá thành công. Tôi khá hài lòng với quy trình sản xuất và sản phẩm tại đây. Tôi hy vọng sẽ sớm có cơ hội hợp tác với nhiều lô hàng tiếp theo bởi gạo Việt Nam rất chất lượng".
Giá lúa gạo trong nước đã cơ bản ổn định tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy thu mua, chế biến và xuất khẩu. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư
Ngay trong quý I/2024, nếu như sản lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng khoảng 15% thì kim ngạch lại có mức tăng khá cao hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sau nhiều đợt điều chỉnh, giá gạo Việt Nam vẫn đang giữ mức cao hơn so với gạo Thái Lan và Ấn Độ.
Hiện 1 tấn gạo thơm có giá xuất khẩu đi châu Âu và châu Á có mức hơn 700 USD. Việc tập trung chế biến, xuất khẩu các dòng gạo thơm chính là giải pháp nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam.
Sau chỉ đạo của Chính phủ, giá lúa gạo trong nước đã cơ bản ổn định tạo điều kiện thuận lợi để các nhà máy thu mua, chế biến và xuất khẩu. Về lâu dài, ngành gạo nên sớm có hệ thống phơi sấy, bảo quản quy mô cấp vùng để sản xuất tập trung với sản lượng lớn, chất lượng cao và chủ động xuất khẩu khi có giá bán tốt nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!