Con số ước tính chính thức cả năm phải sang tuần sau mới được công bố nhưng nhiều ý kiến cho rằng gần như chắc chắn có thể khẳng định, năm 2018 là năm Việt Nam sẽ có mức xuất siêu cao nhất từ trước tới nay. Báo Đầu tư trích dẫn số liệu Hải quan công bố mới đây cho thấy, con số này cao gấp 3,5 lần so với mức 2,11 tỷ USD thặng dư thương mại của cả năm 2017. Đây là một con số ấn tượng cho 2018 và đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng GDP kỷ lục xấp xỉ 7% của năm nay.
Thậm chí, để hình dung rõ hơn nữa con số ấn tượng này, theo trang Zing năm 2008, Việt Nam không phải xuất siêu mà vẫn nhập siêu tới 18 tỷ USD. Tuy nhiên, như tờ Đầu tư đặt vấn đề: "Bóng dáng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong con số này vẫn quá lớn". Theo đó, báo này tính toán, thặng dư thương mại của riêng khu vực FDI lên tới 28,39 tỷ USD, tức so với con số 7,4 tỷ USD khu vực trong nước đã nhập siêu gần 21 tỷ USD.
Lý giải của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, con số nhập khẩu trong nước không chỉ phản ánh nguyên vật liệu sản xuất, mà còn là nhu cầu tiêu dùng trong nước, khác với FDI con số nhập khẩu chủ yếu là để phục vụ sản xuất. Do đó, sự so sánh có phần khập khiễng nhưng sự chênh lệch này vẫn cho thấy khoảng cách đang ngày càng nới rộng hơn.
Các doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và tiến hành lắp ráp tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam chỉ thu được lợi ích từ nguồn lao động giá rẻ và một phần của thuế, sau khi đã trừ đi những ưu đãi.
Do đó, một lần nữa cần nhìn nhận rằng vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn chưa phát triển, vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu. Nhiều ngành kinh tế mới chỉ dừng ở mức gia công, giá trị gia tăng thấp. Chưa kể đến các ngành công nghệ cao như điện thoại, chỉ riêng ngành dệt may - một thế mạnh của Việt Nam cũng đang "thiếu vải" trầm trọng. Riêng năm 2017, ngành này đã phải chi 11 tỷ USD để nhập vải.
Tờ Đầu tư trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến Việt Nam thành một công xưởng sản xuất của khu vực ASEAN, rồi châu Á và cả thế giới'". Như vậy, rất cần một nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ đối với ô tô, xe máy, điện tử… mà còn những lĩnh vực khác như khả năng Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở Việt Nam chẳng hạn.
Không thể phủ nhận vai trò của khu vực FDI đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh những băn khoăn khi nhìn vào con số nhập siêu của khu vực nội địa, Việt Nam cần không ngừng thúc đẩy hướng đi riêng mang tính chiến lược để tránh sự lệ thuộc quá mức vào FDI, cũng như điều chỉnh giá trị xuất nhập khẩu hướng đến chất lượng và hàm lượng công nghệ - kỹ thuật cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!