Ngày 17/8, tại thủ đô Washington (Mỹ), 3 nước Mỹ, Canada và Mexico đã bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm cải cách, sửa đổi Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ khi tranh cử đã mô tả NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ và cam kết sẽ thay đổi hoặc rút khỏi hiệp định này khi lên cầm quyền.
Phía Mỹ thực sự muốn thay đổi những điều khoản gì trong hiệp định NAFTA?
Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ ngay từ đầu đã không giấu diếm mục tiêu của họ - đó là thay đổi cơ bản hiệp định NAFTA đã ký 23 năm trước. Thay đổi đó là nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico.
Chính quyền Donald Trump cũng cho rằng, NAFTA đã khiến nhiều công ăn việc làm của Mỹ đã bị chạy sang Mexico, nơi có giá nhân công thấp hơn nhiều. Do vậy, Mỹ muốn hiệp định NAFTA mới phải giúp tăng "hàm lượng Mỹ" trong các sản phẩm được miễn thuế khi di chuyển trong nội khối, (tăng tỷ lệ nội địa hoá của Mỹ trong các sản phẩm này). Như thế, chắc chắn đàm phán sẽ phải tập trung vào sửa đổi khái niệm "chứng nhận xuất xứ" - một vấn đề được coi là sẽ khá gai góc trên bàn đàm phán.
Những thách thức mà phía Mỹ sẽ gặp phải trong quá trình đàm phán
Thách thức đầu tiên là vấn đề con người. Mục tiêu phía Mỹ đặt ra khá cao trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại đang thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia đàm phán kinh nghiệm. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán các hiệp định thương mại của Mỹ với bên ngoài hiện vẫn đang thiếu ít nhất 5 vị trí chủ chốt, gồm các phó trưởng đại diện và đặc biệt là các trưởng đàm phán về nông nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ, những lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong đàm phán NAFTA.
Thách thức thứ hai là việc đàm phán phải thực hiện nhanh trong năm nay hoặc sang đầu năm sau, bởi nếu kéo dài nữa, Mexico sẽ bước vào thời kỳ tranh cử Tổng thống. Mọi việc lại phải gác lại đợi Tổng thống mới. Trong khi đó, để viết lại một bản hiệp định có quy mô lớn như NAFTA trong thời gian khoảng nửa năm là vô cùng khó khăn.
Thách thức tiếp theo với Mỹ là Canada và Mexico cũng tỏ ra rất cứng rắn, đã "ngửa bài" ngay trước đàm phán là không có NAFTA thì họ vẫn có lựa chọn khác, vẫn có phương án 2, phương án 3... Hai nước này đang xem xét khả năng ký hiệp định thương mại với Trung Quốc hay liên minh châu Âu và còn doạ sẽ không nhập hàng từ Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!