Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã dẫn đầu đoàn đàm phán với khoảng 100 thành viên tới thủ đô nước Mỹ, dù trước đó Trung Quốc từng tuyên bố có thể huỷ vòng đàm phán này nhằm đáp lại lời đe dọa tăng thuế của Tổng thống Donald Trump. Buổi đàm phán đầu tiên bắt đầu vào cuối giờ chiều ngày 9/5, theo giờ Mỹ.
Ông Lưu Hạc cho hay: "Tôi đến đây với một thiện ý. Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, tôi muốn trao đổi quan điểm một cách hợp lý và thẳng thắng với phía Mỹ. Nhưng Trung Quốc tin rằng, trong bối cảnh hiện tại, tăng thêm thuế không phải là cách tốt để giải quyết vấn đề".
Trước đó vài giờ, Tổng thống Donald Trump phát biểu rằng hai bên vẫn có thể đạt được một thoả thuận ngay trong tuần này. Tuy nhiên, ông sẽ không lùi bước trước những yêu cầu của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: "Tối 9/5, tôi đã nhận được một bức thư lời lẽ rất tốt đẹp từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông ấy viết: "Chúng ta hãy cùng làm việc. Hãy cùng xem liệu có thể đạt được một số điều gì đó". Thế nhưng, Trung Quốc lại muốn đàm phán lại rất nhiều phần trong thoả thuận dự thảo. Điều đó không thể xảy ra".
Buổi đàm phán trong ngày đầu tiên diễn ra chỉ trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ trở lại bàn đàm phán vào ngày 10/5. Nhưng trước khi họ gặp lại nhau, Mỹ đã tăng thuế từ 10% - 25% đối với 200 tỷ USD hàng xuất khẩu từ Trung Quốc từ 0h ngày 10/5 (11h, theo giờ Việt Nam).
Cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Mỹ và Trung Quốc đều ý thức rõ điều này. Theo đánh giá, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một số nhân nhượng để kéo dài đàm phán, trong khi hai bên vẫn áp thuế, tăng thuế và trả đũa lẫn nhau. Nếu nhân nhượng giữa hai bên đủ lớn, Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể sẽ ký được một thoả thuận thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 tới tại Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!