Theo nhận định được đưa ra tại Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm diễn ra vào sáng 4/7, tuy giá thực phẩm, giá điện sinh hoạt đã tăng, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả này sẽ góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 4,5% như Quốc hội đề ra.
Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành.
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Theo các chuyên gia, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có không ít yếu tố tích cực làm điểm tựa để Chính phủ có thể kiểm soát tốt lạm phát trong thời gian tới như xuất khẩu tuy tăng trưởng âm, song xuất siêu trên 12 tỷ USD sẽ góp phần khiển tỷ giá ổn định.
Tiêu dùng trong nước tăng trưởng, lãi suất huy động và cho vay giảm, thị trường chứng khoán bước đầu phục hồi... là cơ sở giúp cho sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hợp lý để kiểm soát tốt lạm phát.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ về tài khóa như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, các chính sách giãn hoãn, giảm một số loại thuế, phí cũng đang góp phần kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, về lâu dài khi tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến Việt Nam còn rất lớn thì các chính sách này này cần được kéo dài sang năm sau để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh và nền kinh tế có dư địa kiềm soát lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!