Trong những năm gần đây, xoài là một mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn. Như tỉnh Đồng Tháp, xoài còn được lựa chọn là 1 trong 5 ngành hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Tổng diện tích trồng xoài cả nước là trên 114.000 ha; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần một nửa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD.
Những năm gần đây, xoài là một mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhờ có vùng nguyên liệu lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1% tổng xuất khẩu xoài thế giới.
Thị trường xuất khẩu xoài Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc chiếm gần 84%, đạt gần 152 triệu USD; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản…Yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc.
Riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện đã có gần 300 số mã vùng trồng được cấp để xuất khẩu.
Đáng chú ý, diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP của vùng là gần 2.000 ha, chiếm gần 4% trên tổng diện tích. Cần tăng cường mở rộng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu là yêu cầu đặt ra với các địa phương
Mất mùa tại vựa xoài của thế giới
Xoài cũng là một trong những loại trái cây nhiệt đới được ưa thích và trồng ở nhiều nước trên thế giới nên Việt Nam khá khó khăn để có được thị trường.
Ấn Độ được xem là vựa xoài của thế giới, chiếm tới 55% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên năm nay sẽ là một năm thất bát với người nông dân trồng xoài của Ấn Độ. 80% sản lượng xoài của Ấn Độ đã bị mất trắng bởi thời tiết cực đoan.
Người Ấn Độ yêu thích xoài và họ cũng tự hào về trái xoài của mình. Nước này hiện trồng tới hơn 1.500 chủng loại xoài, xuất đi khắp thế giới, chiếm 55% sản lượng toàn cầu.
Tuy nhiên năm nay, xoài Ấn Độ đang phải đối mặt với một thực cảnh đau buồn. Sản lượng đã sụt giảm tới 80%. Nắng nóng kỷ lục trong tháng 3, tháng 4 đã hủy hoại giai đoạn xoài ra hoa, trong khi mưa thất thường lại khiến sâu bệnh sinh sôi mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Những người trồng xoài toàn Ấn Độ cho biết, trong cả đời mình, ông chưa bao giờ thấy sản lượng xoài sụt giảm mạnh đến vậy.
Mùa xoài truyền thống của Ấn Độ là từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, mỗi năm xuất ra thế giới tới gần 50.000 tấn.
Trang báo Times Now của Ấn Độ cho biết, sau gạo và lúa mì, xoài đang là cây trồng tiếp theo trở thành nạn nhân của đợt nắng nóng gay gắt bất thường mấy tháng qua. Giá xoài bán nội địa Ấn Độ đang ở mức 100 Rupees/kg, hơn 30.000 đồng.
Tình thế hiện nay khiến New Delhi lo ngại họ sẽ bị đánh mất thị phần xuất khẩu, đặc biệt tại những thị trường hàng đầu của xoài Ấn Độ như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Oman, Qatar hay Kuwait.
Những người nông dân trước đến nay vẫn xem nắng mưa là chuyện của trời, họ chấp nhận. Tuy nhiên hiện biến đổi khí hậu dường như đang đẩy người nông dân Ấn Độ tới ngưỡng của sự chịu đựng.
Theo ghi nhận của Báo Bưu điện Ấn Độ, sản lượng trái xoài thực chất đã liên tục sụt giảm trong 3 năm qua vì thời tiết khắc nghiệt. Đến năm nay, như ghi nhận tại một nhà vườn, 100 cây chỉ còn chưa được đến 5 cây ra quả. Không chỉ xoài, lúa mì, gạo... sản lượng cà chua tại Ấn Độ cũng đang thất thu nặng nề, có nơi sụt giảm tới 80%.
Sơn La thúc đẩy tiêu thụ xoài
Việc Ấn Độ mất mùa xoài sẽ khiến nguồn cung loại nông sản này trên thế giới giảm nhiều và Việt Nam sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường.
Hiện là thời điểm cả hai miền Nam, Bắc đều có sản lượng xoài bước vào thu hoạch. Để có kế hoạch đầu ra, cũng như chớp cơ hội thị trường, mới đây, Hội nghị kết nối tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La 2022 đã được tổ chức với 29 điểm cầu trong, ngoài nước. Đây cũng là hoạt động thường niên được tỉnh Sơn La phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.
Sự kiện đã có mặt những nhà phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử, đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường như Australia, UAE, Hàn Quốc, đại diện một số cơ quan thương mại của Trung Quốc và lãnh đạo Sở Công Thương nhiều địa phương.
Xoài Sơn La hiện đã xuất khẩu, giới thiệu tại 8 nước và vùng lãnh thổ. (Ảnh: TTXVN)
Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, xoài Sơn La có mẫu mã giảm sút nhưng sản lượng vẫn đạt khoảng 75.000 tấn, đứng thứ 2 toàn quốc. Hầu hết diện tích đã và đang được chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn như VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Hiện toàn tỉnh có 99 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ và New Zealand với diện tích trên 1.400 ha.
"Tỉnh Sơn La cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nắm bắt thị trường, xác định diện tích cây ăn quả, vùng trồng và thực hiện các hợp đồng kinh tế", ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, nhấn mạnh.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước cũng đề xuất Sơn La cần có cơ chế phân loại xoài, trên cơ sở đó Thương vụ quảng bá theo các tiêu chí để người tiêu dùng phân biệt và hiểu giá trị từng loại; bên cạnh đó cần có giải pháp rút ngắn thời gian vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Xoài Sơn La hiện đã xuất khẩu, giới thiệu tại 8 nước và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá trị sản phẩm xoài xuất khẩu đạt khoảng 3 triệu USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!