Khác với nhà ở thương mại, người mua nhà ở xã hội phải nộp hồ sơ trực tiếp với chủ đầu tư, trải qua khâu chấm điểm, thậm chí là bốc thăm để mua được căn hộ giá thấp. Tuy nhiên, tin lời hứa hẹn của Công ty TNHH sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái, gần 100 khách hàng đã bỏ tiền mua nhà ở xã hội ở khu Đại Kim tại Hà Nội mà không thông qua chủ đầu tư.
Tính trung bình, mỗi hộ gia đình đã mất khoảng 300 triệu, nhưng đến khi chủ đầu tư thông báo đã bán hết nhà, họ mới ngỡ ngàng khi danh sách chủ căn hộ không có tên mình.
Sau khi không liên hệ được với đơn vị trung gian, người mua nhà đã nhiều lần tìm đến công ty Handico 5, chủ đầu tư của dự án nhà ở xã hội Đại Kim. Tuy nhiên, đại diện công ty này khẳng định, họ không có bất kỳ mối liên hệ nào với Công ty Việt Thái.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, Handico 5 không hề có thỏa thuận hoặc hợp đồng góp vốn nào thực hiện dự án với Công ty Việt Thái. Chủ đầu tư cũng không ký hơp đồng ủy quyền cho Việt Thái được phép thu tiền và ký hợp đồng góp vốn với người dân để thực hiện dự án này.
Theo quy định hiện nay, muốn mua nhà ở xã hội, người dân phải nộp hồ sơ chứng minh là thu nhập thấp trực tiếp với chủ đầu tư, sau đó chờ bốc thăm quyền mua căn hộ. Bởi vậy, theo các luật sư, những lời hứa hẹn mua nhà ở xã hội dễ dàng không cần ràng buộc gì là vô căn cứ. Chưa kể, việc bán suất mua thu tiền chênh cũng là vi phạm quy định của pháp luật.
Dự án nhà ở xã hội Đại Kim đang trong giai đoạn bàn giao nhà. Nhìn những người khác phấn khởi, nhộn nhịp dọn về nhà mới khang trang, nhóm khách hàng không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối. Số tiền bỏ ra cũng không biết có đòi lại được không. Hy vọng còn lại duy nhất của họ lúc này là chờ đợi câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!