Mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 02/06/2023 13:50 GMT+7

VTV.vn - Nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Thời điểm hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào chính vụ thu hoạch các loại trái cây chủ lực. Trong đó, Sơn La với gần 85.000 ha diện tích trồng cây ăn quả, sản lượng thu hoạch lớn khiến áp lực tiêu thụ cũng tăng theo. Đặc biệt, những loại trái cây như xoài, mận đang thu hoạch rộ. Chính vì vậy, nhiều hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại đã được triển khai để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tuần lễ giới thiệu nông sản Sơn La tại Thủ đô Hà Nội cũng là một trong các hoạt động đó.

Những quả mận, xoài tươi rói là đặc sản mùa hè của tỉnh Sơn La được Hợp tác xã Hưng Thịnh mang xuống giới thiệu với người dân Thủ đô. Chỉ trong buổi chiều, 90% số lượng hoa quả đã được bán hết. Nhờ tham gia vào những hội chợ, tuần lễ giới thiệu nông sản, sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ tốt hơn.

"Ở những tuần lễ nông sản, lượng tiêu thụ nông sản rất lớn vì ở tuần lễ này, các sản phẩm đã được khẳng định chất lượng và phù hợp với thị hiếu. Sản phẩm mận, xoài, các sản phẩm sau chế biến đều được tiêu thụ rất mạnh ở những tuần lễ này, góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã củng cố, từ đó mở rộng sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất ổn định", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết.

Mở rộng thị trường, kích cầu tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Những quả mận, xoài là đặc sản mùa hè của tỉnh Sơn La. (Ảnh: dangcongsan)

Năm 2022, thông qua hội chợ giới thiệu nông sản, hơn 1.000 tấn nông sản Sơn La đã được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị big C. Có những sản phẩm tăng trưởng gấp 20 lần so với năm trước. Năm nay, số lượng này được kỳ vọng sẽ nhiều hơn thế.

"Hiện nay, nông sản Sơn La đang được tiêu thụ ở hệ thống cửa hàng chúng tôi hơn 100 mặt hàng, được người dân Hà Nội và các tỉnh thành lân cận đón nhận vì chất lượng cao, tươi ngon. Chúng tôi đã nhìn thấy sự tăng trưởng trong việc mua hàng của tỉnh Sơn La", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, thông tin.

Năm nay, Sơn La dự kiến cho thu hoạch khoảng 450.000 tấn trái cây. Ngoài tập trung tiêu thụ trái cây tươi ở thị trường trong nước và xuất khẩu, khoảng 30 - 50% sản lượng sẽ được đưa vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ với trái cây chính vụ.

Đẩy mạnh xúc tiến nông sản qua cơ quan thương vụ

Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, mà mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường khác cũng đang được ngành nông nghiệp, ngành công thương đặc biệt chú trọng. Chính bà con nông dân đã có tư duy thay đổi cách sản xuất bài bản hơn, hướng tới chất lượng, không chạy theo số lượng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Đặc biệt, hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng đã liên tục cập nhật thông tin thị trường, hỗ trợ xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch, qua đó hướng đến mục tiêu xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023 cán mốc 4 tỷ USD.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái vải và nhãn của Việt Nam đạt trên 40 triệu USD, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Trong khi các thị trường lớn giảm nhập khẩu, trong nước chỉ riêng quý II, dự kiến sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn, nhiều loại trái cây nổi tiếng như xoài, thanh long, sầu riêng… đang vào vụ thu hoạch, trong đó chỉ tính riêng vải thiều ước đạt 330.000 tấn, nhãn là 110.000 tấn. Với nguồn trái cây dồi dào vào chính vụ, thách thức đặt ra là giải pháp như thế nào để đạt các mục tiêu xuất khẩu đề ra.

"Yêu cầu đặt ra là gì, đối với những vùng trồng cần đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, đối với thị trường mới phải có sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía các cơ quan liên quan để hỗ trợ kỹ thuật cho hộ nông dân, các trang trại và các nhà xuất khẩu trái cây này. Đối với thị trường chưa mở cửa được thì sẽ phải tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để đàm phán, để mở cửa được thị trường, để có thể xuất khẩu được chính ngạch", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, việc đẩy mạnh kết nối thương mại đối với mặt hàng rau quả tới nhiều thị trường sẽ hướng đến mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu các sản phẩm này lên 30% trong mùa vụ năm nay.

"Đối với nông, lâm, thủy sản, chúng ta thấy rằng đây là nhóm hàng mang tính chất thiết yếu, nếu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này, chúng ta cần có sự tìm tòi về những thị trường mới, với những cách làm mới, ngoài ra chúng ta cũng nên tận dụng các FTA đã có để khai thác thêm thị trường", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.

Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên theo đánh giá, việc các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại như Trung Quốc và khu vực châu Á. Mục tiêu hướng tới cho xuất khẩu nông lâm, thủy, sản 6 tháng năm 2023 đạt 25,8 tỷ USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng thu về hơn 20 tỷ USD Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng thu về hơn 20 tỷ USD

VTV.vn - Rau quả và gạo, thịt, phụ phẩm từ thịt... là những mặt hàng đã vươn lên trên đường đua vượt khó trong xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước