Mở cửa “vùng xanh”, vực dậy sản xuất, kinh doanh

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/09/2021 06:58 GMT+7

VTV.vn - Ngày 16/9, nhiều địa phương áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 16 đã bước vào giai đoạn mới khi bắt đầu áp dụng định hướng mở cửa dần ở các vùng bước đầu kiểm soát được dịch.

Dần mở cửa các vùng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh

Điều nhiều người quan tâm nhất là mở cửa sản xuất kinh doanh như thế nào khi vùng an toàn nằm trong hoặc xen kẽ giữa các vùng còn dịch bệnh hoặc nguy cơ cao, liệu rằng sự phục hồi sản xuất, kinh doanh có được mở rộng trong bối cảnh như vậy.

Hà Nội có 22/30 đơn vị quận, huyện không ghi nhận ca mắc cộng đồng từ 6/9 được phép mở cửa dần trở lại, bao gồm 6 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên; 16 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức và Phú Xuyên.

Mở cửa “vùng xanh”, vực dậy sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Tại các quận, huyện “vùng xanh” Hà Nội, các hàng quán được phép bán mang về từ 12h ngày 16/9.

Ở TP Hồ Chí Minh, các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm: quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ. UBND thành phố cũng bổ sung một số hoạt động trên địa bàn TP Thủ Đức.

2 - 3 tháng đã trôi qua kể từ khi 23 tỉnh (1/3 đất nước) đã phong tỏa ngặt nghèo theo nguyên tắc Chỉ thị 16 và đa số còn lại giãn cách theo Chỉ thị 15. Ảnh hưởng của dịch bệnh nhiều hơn, gay gắt hơ. Hiện doanh nghiệp, người dân đều mong ngóng được hoạt động trở lại để ít nhất còn có thể có được nguồn sống và cơ hội để hồi phục.

TP Hồ Chí Minh thí điểm mở cửa quận 7

Trong đợt thí điểm mở rộng dần kéo dài trong 15 ngày, quận 7 đã thẩm định cho phép hoạt động trở lại với 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực như: dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng; thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống mang đi; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm… Quận cũng hỗ trợ tiêm vaccine cũng như các bộ kit test nhanh 5 ngày/lần cho hơn 1.200 người lao động, nhân viên của 150 đơn vị này trong suốt thời gian thí điểm.

"Khoảng 3 - 5 ngày, chúng tôi sẽ có kiểm tra, đánh giá, nếu ổn thì chúng tôi sẽ cho mở rộng cho các doanh nghiệp khác. Còn nếu không ổn, xuất hiện F0 thì chúng tôi sẽ cho ngừng ngay, đánh giá lại. An toàn đến đâu thì mở rộng đến đó", ông Trần Chí Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Những nơi như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống bán mang đi được cho phép mở cửa phải gắn đầy đủ mã QR khai báo y tế, phải gắn biển hộ kinh doanh xanh, doanh nghiệp xanh. Người dân muốn vào những nơi này mua bán, khi quét mã QR phải có dấu stick xanh chứng nhận cũng như có phiếu đi chợ được cấp trước đó.

Dù thí điểm nới lỏng nhưng không có nghĩa mọi người dân đều được phép ra đường. Việc thí điểm chỉ áp dụng với những ai có giấy tờ đi đường theo đúng quy định. Các chốt kiểm soát trên địa bàn vẫn hoạt động như bình thường.

Nhiều chủ hàng quán ở TP Hồ Chí Minh chưa dám mở bán trở lại

Mở cửa là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp phục hồi lại sản xuất kinh doanh, nhưng còn đó rất nhiều những nỗi lo.

Ai cũng mừng, thế nhưng đi kèm cũng có những nỗi lo. Lo khó đáp ứng các quy định phòng dịch, cộng thêm thiếu hụt nhân viên, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng sẽ khiến việc buôn bán ở mức cầm chừng.

"Em vừa mừng vừa lo. Giá bên em niêm yết không tăng theo giá thị trường, giúp cho mọi người dân ăn uống bình thường nên không tăng giá", anh Nguyễn Ngọc Sơn, chủ quán tại quận 10, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Mở cửa “vùng xanh”, vực dậy sản xuất, kinh doanh - Ảnh 2.

Một quán ăn bán mang về cho người dân ở phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh vào chiều 15/9. (Ảnh: PLO)

Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hoạt động. Lý do được các chủ cửa hàng chia sẻ là để đáp ứng yêu cầu mở cửa cần nhiều thời gian chuẩn bị và quan trọng nhất là bài toán chi phí đầu vào, nếu không khéo cân đối, thì mở cửa sẽ bị lỗ. Vì để được đồng ý hoạt động buôn bán, mọi việc đặt hàng phải qua các nền tảng công nghệ có thu phí, người lao động bên cạnh việc bắt buộc đã tiêm ngừa vaccine, còn phải thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 2 ngày/lần.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo GDP năm nay có thể tăng 3,5 - 4% với điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9. Với tình trạng hiện nay, doanh nghiệp đã kiệt sức, người dân cũng đã hết nguồn lực. Thiệt hại của việc giãn cách kéo dài sẽ phải tính bằng thiệt hại của cả dịch bệnh và thiệt hại do ngừng sản xuất kinh doanh cộng lại. Vì vậy, việc bắt đầu tái sản xuất kinh doanh từ các vùng xanh được kỳ vọng sẽ là tâm điểm để lan tỏa, nhưng một chính sách phải từ thực tế và theo khoa học. Bắt đầu từ định hướng đúng, mới có hành động đúng và từ chính sách đúng chính người dân, doanh nghiệp sẽ biết cách để hoạt động trở lại an toàn, hiệu quả.

Cơ hội nào để tái sản xuất kinh doanh của các "vùng xanh" trong lòng "vùng đỏ" ở nhiều địa phương? Để sản xuất kinh doanh ở các "vùng xanh" hiệu quả và dần dần lan ra đổi màu các "vùng đỏ" cần phải giải quyết những điểm khúc mắc gì? Doanh nghiệp, người dân cần chủ động như thế nào trong việc hồi phục sản xuất, kinh doanh?

Những thắc mắc trên phần nào sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (16/9) với sự tham gia của ông Nguyễn Hồng Uy, Thạc sĩ Dược học với kinh nghiệm 28 năm trong ngành y tế, đồng thời là Giám đốc Đăng ký và Ngoại vụ của một tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua video trên!

Doanh nghiệp “vùng xanh” bắt nhịp sản xuất Doanh nghiệp “vùng xanh” bắt nhịp sản xuất

VTV.vn - Đảm bảo cho DN tại các khu công nghiệp ở Hà Nội hoạt động an toàn, xuyên suốt là yêu cầu cấp bách để hỗ trợ hiệu quả sản xuất và tăng uy tín với các doanh nghiệp FDI.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước