Nhiều công nhân xây dựng tại "vùng xanh" được trở lại làm việc
Mới đây, TP Hà Nội đã phân vùng giãn cách để kiểm soát dịch bệnh theo 3 vùng: đỏ, cam và xanh, trong đó tập trung kiểm soát chặt "vùng đỏ", nơi có nguy cơ cao nhất.
Thực tế, với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc "vùng cam" và "vùng xanh" đã nới lỏng rất nhiều hoạt động, tạo điều kiện để người lao động trở lại với công việc, hướng đến trạng thái bình thường mới.
Tại "vùng xanh", các công trình xây dựng cũng được cho phép hoạt động trở lại. Điều này đã làm giảm bớt nỗi lo của nhiều công nhân xây dựng, sau một thời gian dài phải nghỉ làm để phòng dịch.
Tại "vùng xanh", các công trình xây dựng đã được cho phép hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Anh Nhân (công nhân xây dựng) đã bị mắc kẹt ở công trường gần 2 tháng nay. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công. Không có việc làm cũng không thể về quê, cuộc sống của gia đình anh trở nên bấp bênh.
"Hiện mình có 2 cháu, một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 3. Bước vào năm học mới, nhưng tất cả những khoản chi phí đóng học, mua sách vở cho các cháu rất khó khăn do thời gian dài giãn cách không đi làm. Tôi chỉ mong sao cho hết giãn cách xã hội. Phòng chống dịch tốt thì tất cả được đi làm trở lại, trang trải và mua sách vở, đóng học cho các cháu", anh Nhân chia sẻ.
Không chỉ anh Nhân, mà nhiều công nhân xây dựng khác cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Là trụ cột chính trong gia đình, nên nỗi lo cơm áo gạo tiền lại càng đè nặng trên đôi vai của những người công nhân này.
"Nếu bình thường không giãn cách xã hội, không bị dịch thì một tháng, tôi gửi về được 7 - 8 triệu, còn như này không có thu nhập gì. Ở nhà thì vay mượn. Nhiều khi muốn về quê nhưng do tình hình giãn cách nên về quê phải đi cách ly tập trung nên bắt buộc ở đây, không về được", anh Bùi Xuân Thắng (công nhân xây dựng) bày tỏ.
"Trong thời gian này, một số anh em chùn bước. Nhiều người cũng muốn xin về nhưng ban lãnh đạo công ty cũng động viên tinh thần, có gì sẽ hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống thu nhập nên anh em mới ở lại", anh Nguyễn Văn Duy, Chỉ huy trưởng Công trình Xây dựng Trụ sở UBND huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cho biết.
Sau nhiều ngày phải tạm dừng hoạt động, thành phố Hà Nội đã cho phép một số các công trình xây dựng thuộc phân "vùng xanh" được thi công trở lại. Niềm vui khi được trở lại làm việc hiện rõ trên từng nét mặt của hàng trăm công nhân xây dựng, bởi gánh nặng gia đình đã phần nào được trút bỏ.
"Vui mừng và phấn chấn hẳn lên vì tôi là công nhân làm lao động theo thời vụ, có công thì mới có tiền. Thời gian vừa qua gọi là ăn chực nằm chờ", anh Bùi Xuân Thắng (công nhân xây dựng) cho hay.
Với bất kỳ người lao động nào, trong thời buổi dịch bệnh, còn công việc để làm đã là điều hạnh phúc, nhất là với những người công nhân xây dựng, khi cuộc sống của cả gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi mà họ kiếm được sau mỗi tháng.
Khôi phục chuỗi tiêu thụ nông sản "vùng xanh"
Thời gian này, nhiều nông dân tại "vùng xanh" ngoại thành Hà Nội đã ra đồng, sản xuất trở lại. Sau khi thành phố phân vùng giãn cách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng phương án chi tiết, để tổ chức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, theo 3 phân vùng. Đồng thời, Sở cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm nông lâm sản và thủy sản, tại "vùng cam" và "vùng xanh" của thành phố.
Tại huyện Sóc Sơn, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngay trên địa bàn, các thị trường ở các quận, huyện lân cận cũng đang được tiếp cận nhanh chóng, khi một số hoạt động được nới lỏng.
Một tuần nay, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, bà Quý (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đều ra bãi mỗi ngày để chăm sóc 2 sào đu đủ đang vào chính vụ. Nỗi lo phần nào được giảm bớt khi việc tiêu thụ có những tín hiệu khả quan.
Nhiều nông dân tại "vùng xanh" ngoại thành Hà Nội đã ra đồng, sản xuất trở lại. (Ảnh minh họa: TTXVN)
"Năm nay không có người đến thu mua nên không dám chăm sóc nhiều, sợ không bán được. May là bên phụ nữ liên hệ bán được", bà Vũ Thị Quý chia sẻ.
Chưa có nhiều thương lái hỏi mua, chị Loan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, kiêm luôn vị trí đầu mối thu mua, kết nối cung cầu.
Nhờ hỗ trợ của chính quyền sở tại, thị trường tiêu thụ trong thời gian giãn cách xã hội cũng dần được mở rộng, từ việc chỉ bán nội tại trong thôn, xã, giờ đã có các đơn hàng xuất đi các huyện lân cận và trên toàn thành phố Hà Nội.
"Đợt đầu tiêu thụ rất khó, dần dần được mọi người chia sẻ. Mọi người dưới Hà Nội không có đu đủ thì họ cũng liên hệ để tiêu thụ. Lần đầu tiên chúng tôi cắt được hơn 3 tạ", chị Phạm Thị Loan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, cho hay .
Với 18 ha trồng trên địa bàn, năm nay, cả xã Nam Sơn dự kiến thu hoạch hơn 300 tấn đu đủ. Cuối tuần vừa qua, xã đã xuất gần 6 tấn đu đủ vào các quận trung tâm thành phố, đơn hàng lớn nhất từ đầu vụ. Đây là tín hiệu mừng giúp bà con phần nào yên tâm sản xuất không chỉ đu đủ, mà còn nhiều mặt hàng thế mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán.
Thời gian này, huyện Sóc Sơn cũng đang đẩy mạnh xét nghiệm COVID-19 đối với người sản xuất cũng như người thu mua tại các vùng nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn. Huyện kỳ vọng trong thời gian ngắn nhất, vừa ổn định hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Giữ vững "vùng xanh" công nghiệp
Rõ ràng, việc chia vùng của TP Hà Nội được các chuyên gia đánh giá là linh hoạt, dựa trên lợi thế địa lý để tăng cường phòng chống dịch, mà vẫn đảm bảo sản xuất. Như vậy, người dân được trở lại làm việc, sớm ổn định lại cuộc sống.
Dù vậy, bên trong mỗi quận, huyện, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, đặc biệt là khu vực sản xuất công nghiệp, nơi tập trung một số lượng lớn người lao động làm việc. Chính vì vậy, các địa phương cũng đã chủ động có những phương án kiểm soát, đẩy mạnh xây dựng "vùng xanh doanh nghiệp", phù hợp với tình hình sản xuất, mà vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Dù được xác định là "vùng cam", vùng nguy cơ trên toàn thành phố Hà Nội, nhưng quận Long Biên vẫn chia địa bàn thành 3 nhóm khu vực: nguy cơ cao, nguy cơ và trạng thái bình thường mới. Trong đó, các khu công nghiệp được đặt ở nhóm nguy cơ cao.
Khu công nghiệp Sài Đồng B, nơi tập trung khoảng 12.000 công nhân vẫn áp dụng theo nguyên tắc Chỉ thị 16.
Hiện nay có khoảng 400 cán bộ, công nhân thuộc vùng 1 và có một số ảnh hưởng về việc di chuyển. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản, chuyển một phần sang khu vực vàng để thực hiện 3 tại chỗ", ông Lưu Minh Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi - Hanel, cho biết.
Tại Hà Nội, hơn 50% số doanh nghiệp phải dừng hoạt động do dịch bệnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Còn tại quận Hoàng Mai, khu vực "vùng đỏ", các biện pháp phòng dịch tại doanh nghiệp được nâng lên mức cao hơn, đẩy nhanh thiết lập mô hình "vùng xanh doanh nghiệp" của thành phố.
Với khoảng 700 công nhân, Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam chia 3 ca sản xuất độc lập, thực hiện nguyên tắc "1 cung đường, 2 điểm đến".
"Chúng tôi cũng đã nâng mức phòng dịch lên mức cao nhất. Ví dụ như tất cả các ca sản xuất được đảm bảo giãn cách, không có bàn giao. Ca trước về thì ca sau mới vào. Hay như trước, chúng tôi có căng tin ăn tập trung, nhưng giờ khuyến khích người lao động ăn tại chỗ nếu có thể", ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam, chia sẻ.
Trên toàn thành phố, để góp phần đảm bảo an toàn chuỗi sản xuất, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ người lao động: Siêu thị 0 đồng, Xe bus siêu thị 0 đồng, Tổ cứu trợ khẩn cấp công nhân hay Túi an sinh công đoàn…, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp thúc đẩy hoạt động "Quỹ vaccine" của thành phố.
"Công đoàn đã làm được việc vận động quan tâm tiêm vaccine cho công nhân. Đến nay, số công nhân được tiêm vaccine trên địa bàn thành phố là hơn 80%. Tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất để ổn định sản xuất", Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định.
Theo thống kê tại Hà Nội, hơn 50% số doanh nghiệp phải dừng hoạt động do dịch bệnh, ảnh hưởng đến công việc của hàng trăm nghìn người. Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực hoạt động trở lại, bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!