Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với đại dịch ngay cả khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại (Ảnh: Cleveland.com)
"Các chủ lao động vẫn tiếp tục sa thải nhân công trong khi các bang vẫn còn chật vật với tình trạng thất nghiệp cho thấy những khó khăn dai dẳng mà nền kinh tế đang phải đối mặt với đại dịch ngay cả khi các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại" là nhận định của một bài viết đăng trên tờ Thời báo New York hôm mùng 4/6.
Bài viết dẫn báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, vẫn có gần 1,9 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần vừa qua, tiếp tục xu hướng giảm so với con số kỷ lục 6,9 triệu hồi tháng 3, song vẫn còn ở mức rất cao. Thêm vào đó, hơn 620.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới theo chương trình Trợ giúp thất nghiệp do đại dịch của Chính phủ Mỹ để hỗ trợ những người lao động tự doanh và những đối tượng khác không đủ tiêu chuẩn hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bài viết nhận định, việc tổng số lao động xin trợ cấp thất nghiệp cho tới thời điểm này tại Mỹ sau điều chỉnh lên tới 21,5 triệu cho thấy dù các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhưng vẫn còn tình trạng sa thải nhân công mới và tốc độ tuyển dụng lại chậm. Theo dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của Mỹ có thể lên tới 20%, tăng mạnh so với mức 14,7% của tháng 4.
Gần 1,9 triệu lao động Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần vừa qua. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, tờ Tạp chí phố Wall cho biết xuất nhập khẩu của Mỹ trong tháng 4 đã giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, nhập khẩu tháng 4 giảm 13,7% so với tháng 3, trong khi xuất khẩu giảm tới 20,5%. Đây là mức giảm xuất khẩu lớn nhất kể từ năm 1992. Thâm hụt thương mại tăng thêm 16,7%, lên mức gần 49,5 tỷ USD.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này được cho là do tình trạng đóng cửa trên thế giới do đại dịch COVID-19 đã làm sụt giảm thương mại và tăng trưởng toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc các nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020. (Ảnh: Reuters)
Bài viết trích dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% và kinh tế toàn cầu giảm 3% trong năm 2020. Hoạt động thương mại toàn cầu, vốn đã ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 do đối đầu thương mại Mỹ - Trung, sẽ giảm 11% trong năm nay. Điều này sẽ càng làm gia tăng những tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi của các nền kinh tế, nhất là Mỹ.
Theo báo chí Mỹ, sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ nhanh hơn với việc các doanh nghiệp gọi một số lao động nhất định quay trở lại để giúp mở cửa các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và các dịch vụ khác. Giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong nhiều tháng do nỗi lo sợ bị lây nhiễm và sự gián đoạn trong thu nhập sẽ gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, khó có thể hoạt động bình thường trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!