Nền kinh tế Mỹ lao dốc tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. (Ảnh: AP)
Nền kinh tế quốc gia này đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 - 2009.
Theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong quý I đã chính thức giảm 5%, thấp hơn con số ước tính sơ bộ 4,8% được thông báo trong tháng trước. Đây được đánh giá là mức sụt giảm theo quý lớn nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ cuối năm 2008.
Trong 10 tuần qua, đã có hơn 40 triệu lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp. (Ảnh: AP)
Chưa dừng lại ở đó, theo dự báo của các chuyên gia, trong quý II - giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nhất ở Mỹ, GDP được dự báo sẽ giảm sâu tới 40% khi các lệnh giới nghiêm được áp dụng trên toàn đất nước. Mức suy giảm này là điều tồi tệ nhất mà lịch sử nước Mỹ từng chứng kiến.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết đã có thêm 2,1 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước. Như vậy, trong 10 tuần qua, đã có hơn 40 triệu lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp, tương đương 25% lực lượng lao động.
Những tin tức thiếu sáng sủa từ nền kinh tế đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Những tin tức thiếu sáng sủa từ nền kinh tế đã ngay lập tức tác động đến thị trường chứng khoán. Kết thúc đà tăng trong 3 ngày liên tục, chốt phiên giao dịch đêm qua (28/5), cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm, trong đó chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm lớn nhất với gần 0,6%, đóng cửa ở ngưỡng 25.400 điểm.
Hiện nay, vẫn có nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bật tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai sẽ gây ra những cản trở nghiêm trọng cho việc phục hồi kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!