Cơ sở quan trọng để nới dần giãn cách
Với sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, các tỉnh, thành đã đẩy mạnh nỗ lực nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh. Đơn cử như tại Hà Nội, với sự hỗ trợ từ 12 tỉnh, thành và bệnh viện Trung ương, Hà Nội đã hoàn thành cơ bản chiến dịch thần tốc tiêm vaccine COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch.
Theo tờ Kinh tế và đô thị, đây là cơ sở quan trọng để thành phố nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động dịch vụ, xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Chiến dịch tăng tốc tiêm chủng vaccine của Hà Nội những ngày qua rất thành công. Trong một thời gian ngắn, những mục tiêu đặt ra tưởng như rất khó nhưng đã hoàn thành tốt. Đa số người dân được tiêm mũi 1 sẽ góp phần ít nhiều tạo ra miễn dịch cộng đồng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Từ 16/9, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội được hoạt động trở lại, song chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam, các biện pháp phòng dịch đã được nới lỏng hơn, do đã nhiều ngày không xuất hiện ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp nên sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 16 đến hết ngày 30/9, dù một số dịch vụ đã được cho phép hoạt động.
Trong khi đó, từ 16/9, Hà Nội đã nới lỏng một số biện pháp giãn cách cho "vùng xanh" và dự kiến sẽ nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ vào 21/9, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, những bước đi tại thời điểm này được đánh giá là khá thận trọng, dè dặt.
Dè dặt mở cửa
Tờ Thanh niên cho biết, 16/9 là ngày đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm nhiều lĩnh vực được hoạt động và nới rộng thời gian mở cửa từ 6 - 21 giờ, cùng với việc cho shipper chạy liên quận. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường khu vực nội đô, phần lớn hàng quán vẫn đóng cửa im lìm.
Tương tự tại Hà Nội, các hàng quán mở lại khá dè dặt. Ngoài việc thăm dò thị trường, nhiều chủ cửa hàng chưa rõ các hướng dẫn của thành phố, cũng như khó khăn trong việc giao đồ ăn.
Mở cửa lại kinh tế
Cùng với việc dần mở cửa các dịch vụ để sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng đang được thúc đẩy, dù rằng không thể chủ quan. Nhiều bài viết cho thấy quan điểm ủng hộ các biện pháp mở cửa nhằm phục hồi nền kinh tế.
Báo Đầu tư bình luận, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai đầu tàu kinh tế đóng góp tới 45% GDP của cả nước, nếu tiếp tục "đóng cửa", thì hệ lụy tới nền kinh tế, tới việc làm, thu nhập, đời sống và sinh kế của người dân sẽ không nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn, dần mở cửa trở lại là cần thiết.
Rõ ràng thời gian qua, doanh nghiệp đã rất nỗ lực. Thế nhưng, với chi phí tăng cao, lao động thiếu, doanh thu giảm. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Do đó, doanh nghiệp thực sự cần hỗ trợ nếu như muốn tái khởi động.
Giải bài toán đầu ra cho nông sản
Một lĩnh vực được nhiều tờ báo trong tuần cùng đề cập, đó là làm sao tháo gỡ những khó khăn của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4.
Tờ Người lao động nêu thực trạng được các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phản ánh, đó là rau củ đầy ruộng, tôm, cá đầy ao không tiêu thụ được vì những ách tắc trong sản xuất, lưu thông trong dịch. Việc mua, chuyển nguyên liệu thô về nhà máy rất khó khăn, công nhân phải trực tiếp phân loại, sơ chế, rất bất tiện và hao hụt nhiều.
Báo Lao động cho biết để khơi thông dòng chảy nông sản từ đồng ruộng đến người tiêu dùng, từ "vựa nông sản" đến các tỉnh, thành phố có nhu cầu tiêu dùng lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cùng Bộ Công Thương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối để đảm bảo lưu thông, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi từ các địa phương.
Giải bài toán mở cửa nền kinh tế
Mở cửa nhưng phải an toàn. An toàn đến đâu, mở đến đó. Tuy nhiên thực tế, sau một thời gian dài đóng cửa vì COVID-19, các doanh nghiệp bị tổn thương rất nặng. Do đó, để có thể vận hành trở lại, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ rất lớn. Đây là đề xuất của các chuyên gia trên tờ Đại đoàn kết.
Sau một thời gian dài đóng cửa vì COVID-19, các doanh nghiệp bị tổn thương rất nặng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho rằng cần sớm có một gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này phải lớn hơn những năm trước mới đủ sức vực dậy các doanh nghiệp, khôi phục nền kinh tế.
Vào ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID -19. Theo đề xuất của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ được miễn giảm khoảng 21.300 tỷ đồng tiền thuế.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn này, còn nhiều khó khăn cần giải quyết, tuy nhiên, với đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch, với những bước đi thận trọng, trong việc mở lại các dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ, có thể lạc quan về một trạng thái bình thường mới trong cuộc sống người dân và sự phục hồi của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!