"Miếng bánh" thị trường bán lẻ Việt: "Kiến nội – Kiến ngoại", ai giành phần thắng?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/03/2023 13:06 GMT+7

VTV.vn - Nếu xem thị trường bán lẻ Viêt Nam như một chiếc bánh thì đây là chiếc bánh thơm ngon, béo bở với quy mô dân số gần 100 triệu dân, cơ cấu trẻ, chịu chi và chịu thích nghi.

Chiếc bánh này, theo Bộ Công Thương, có giá trị vào khoảng 142 tỷ USD và dự báo, sẽ lên mức 350 tỷ USD vào năm 2025. Chiếc bánh "thị trường bán lẻ" phân ra làm hai phần: Các kênh bán lẻ truyền thống như chợ hay cửa hàng tạp hoá chiếm khoảng 75% còn các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại chiếm đâu đó 25%, tức là một phần tư chiếc bánh này.

Chính vì mới chỉ bao phủ ¼ thị trường, hệ thống bán lẻ hiện đại còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hệ thống bán lẻ hiện đại này chứng kiến cuộc đua giành thị phần của những "con kiến" nội và ngoại.

Cuộc chiến của kiến nội và kiến ngoại vốn đã kéo dài nhiều năm. Nhưng mới nhất, kiến ngoại đã xuất chiêu khó, thể hiện sự chịu chi của mình, nhà không có gì ngoài tiền. Ví dụ như ông lớn bán lẻ Nhật Bản - Aeon rót tiền mở rộng các trung tâm thương mại hay đại gia Thái Lan - Central Retail công bố khoản đầu tư 1,45 tỷ USD (tức là hơn 34.000 tỷ đồng). Đây là số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà ông lớn bán lẻ này công bố vào thị trường Việt Nam.

Miếng bánh thị trường bán lẻ Việt: Kiến nội – Kiến ngoại, ai giành phần thắng? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư ngoại tăng vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Với khoản đầu tư "khủng", Central Retail đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, lên con số 600 tại Việt Nam và có mặt tại 57/63 tỉnh thành.

Riêng trong năm nay, nhà bán lẻ này dành hơn 4.100 tỷ đồng cho thị trường nước ta, tập trung phát triển kinh doanh mảng thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá, tái cơ cấu các cửa hàng điện máy…

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam, cho biết: "Việt Nam là thị trường ngoài Thái Lan mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, khoảng 21-22% tổng doanh thu, riêng năm ngoái, con số này là 25%. Chúng tôi hướng đến tầm nhìn dài hạn khi nói về đầu tư tại Việt Nam bởi tốc độ tăng trưởng GDP nhanh. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Du lịch phục hồi".

Ngoài ông lớn đến từ Thái Lan, đại gia bán lẻ Nhật Bản - Tập đoàn Aeon cũng đang đẩy nhanh việc mở các trung tâm thương mại và các cửa hàng tại Việt Nam với mục tiêu đến năm 2025, tăng gần gấp 3 lần số trung tâm thương mại, lên con số 16, tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực thực phẩm.

Ông Tanaka Kosei, Phó Tổng Giám đốc Khối Văn phòng, Aeon Việt Nam, chia sẻ: "Việt Nam là nước có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh. Năm nay chúng tôi sẽ mở rộng thêm nhiều trung tâm mua sắm mới trên các tỉnh thành. Phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị".

Không tiếc tay "rót tiền", những con kiến ngoại có vẻ đang chiếm ưu thế và dần "nhâm nhi" miếng bánh thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, thực tế, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán lẻ trên cả nước. Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách Hoá Xanh…

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi sự cạnh tranh này và nhận thấy rằng là đối với việc phân phối ở trong hệ thống bán lẻ phân phối siêu thị và trung tâm thương mại , các hệ thống phân phối Việt Nam đang chiếm ưu thế cả về sự hiện diện ở các địa điểm cũng như là tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cụ thể về tổng diện tích đối với các trung thâm thương mại chẳng hạn thì các hệ thống bán lẻ của Việt Nam cộng vào thì diện tích đã hàng triệu m vuông và hơn phải gấp 2 lần so với các hệ thống phân phối có hiện diện vốn đầu tư nước ngoài".

Dù vẫn là khối chiếm ưu thế nhưng cuộc đua này là việc "chèo thuyền trên dòng nước ngược". Không tiến, ắt lùi. Các doanh nghiệp Việt không thể "dậm chân tại chỗ". Họ đang phải nỗ lực, bằng nhiều cách để giành lợi thế trên sân nhà.

Miếng bánh thị trường bán lẻ Việt: Kiến nội – Kiến ngoại, ai giành phần thắng? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt nỗ lực giữ ưu thế trên "sân nhà"

Đạt doanh số gần 31.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng vào doanh số. Kết quả kinh doanh năm vừa qua đã giúp Saigon Co.op vươn lên vị trí số 1 về bán lẻ siêu thị. Doanh nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới phân phối để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: "Sẽ có những xu hướng nắm bắt để đảm bảo rằng logistics trở thành xương sống trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Tập trung định hướng để phù hợp với xu thế phát triển, trong đó thương mại điện tử sẽ được chú trọng trong giai đoạn mới này".

Sau tái cấu trúc, WinCommerce của Tập đoàn Masan đang có hơn 3.400 điểm bán trên cả nước, hơn 2 triệu khách hàng thân thiết. doanh nghiệp dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, doanh nghiệp cho biết, năm nay sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.

Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển khi kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25%. Để giữ thị phần, doanh nghiệp Việt đang cạnh tranh công bằng để đưa đến những sản phẩm giá cả phải chăng nhưng chất lượng tốt.

Ông Quách Thế Phong, Giám đốc tư vấn Ipsos Việt Nam, nói: "Những nhà bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều cơ hội bởi sân chơi bán lẻ đang thuộc về mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, biến đổi, đưa ra những chiến lược mới, trải nghiệm mới, tăng doanh thu - lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn".

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… Đây là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa cùng phát triển.

Như vậy, cả doanh nghiệp nội và ngoại, bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hoá, đều đang cố gắng mở rộng độ phủ, tiếp cận người tiêu dùng.

Cuộc đua trên thị trường bán lẻ, suy cho cùng, kẻ chiến thắng là kẻ chiếm trọn được trái tim người khác, mà ở đây là người tiêu dùng.

Khi "khách hàng là thượng đế"

Có rất nhiều yếu tố quyết định và ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Theo một khảo sát của Nielsen IQ Việt Nam, với câu hỏi: Đâu là yếu tố quan trọng nhất khi bạn lựa chọn một sản phẩm. Cứ 100 người khảo sát, trong đó lại có 18 người cho rằng giá cả là yếu tố hấp dẫn nhất đối với họ. Theo sau đó là những yếu tố liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với 13 người lựa chọn. Tiếp theo là những yếu tố liên quan đến thương hiệu hay thân thiện với môi trường, với 11 người lựa chọn.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị BRG Mart, cho biết: "Chúng tôi phải tối ưu phần chi phí vận hành tại siêu thị, rồi cắt giảm bớt phần lợi nhuận, chi phí phụ thêm để ra giá thành cuối cùng tốt nhất đến tay khách hàng. Có những thời điểm, chúng tôi cũng chấp nhận đầu tư, bán thấp hơn giá vốn cho khách hàng để có ưu đãi tốt nhất".

Sau đại dịch, giỏ hàng hoá của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Họ quan tâm nhiều hơn đến nhu yếu phẩm thiết yếu, tăng cường hơn các sản phẩm phục vụ sức khoẻ, để tâm hơn đến các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, là những sản phẩm Việt có thương hiệu và uy tín lâu năm.

Dù là siêu thị Việt hay siêu thị ngoại, thấu hiểu tâm lý khách hàng luôn là chiếc chìa khoá thành công.

Một khảo sát cũng cho thấy, gần 54% doanh nghiệp bán lẻ công bố đạt hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt mức trước dịch. Cuộc chiến giành thị phần của các doanh nghiệp nội và ngoại vẫn tiếp diễn. Và khi nào còn có sự cạnh tranh, khi đó sẽ còn sự phát triển, người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi và quyết định ai mới là người giành chiến thắng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước