"Vitae trả tiền theo giây, tiền về trong lúc ngủ. Đầu tư thì ít mà thu nhập thì nhiều", đây là lời quảng cáo về một mạng xã hội tự xưng có tên là Vitae. Để chứng minh, trong các buổi online, hàng loạt những tài khoản có thu nhập "khủng" từ Vitae nhanh chóng được "khoe ra".
"Anh Michael Trần tham gia Vitae vào ngày 28/2. Sau một tháng, anh thu nhập được 1.843 USD. Đây là một ngày của anh Hiếu, thu nhập 241 USD và một ngày của anh Michael Trần là 311 USD", người dẫn dắt tham gia Vitae nói.
Mạng xã hội tự xưng Vitae đã được đông đảo người dùng tại Việt Nam tham gia.
Một ngày thu nhập hơn 300 USD, tương đương hơn 7 triệu đồng, như vậy thu nhập một tháng sẽ là hơn 200 triệu đồng. Đó chỉ là thu nhập của một người ở trong top "đại sứ cấp cao" của Vitae. Còn đối với hàng chục tài khoản khác đang duy trì hiện nay, mặc dù phải trả ít hơn, nhưng ước chừng số tiền mà Vitae đang phải trả để duy trì hệ thống cũng phải lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Vậy mạng xã hội tự xưng này lấy tiền ở đâu để trả cho người dùng? Trong các buổi tuyên truyền, Vitae khẳng định lấy tiền từ quảng cáo.
"Vitae là cộng đồng mạng xã hội phân quyền nên khi tiền về công ty, Vitae sẽ chia lại cho tất cả người dùng. Đó là điều các bạn cần phải biết. Đó là sự khác biệt giữa Vitae, Facebook và các mạng xã hội khác", người tự xưng là bảo trợ quốc tế của Vitae nhận định.
"Khi tương tác quảng cáo, 100% tiền đổ về Vitae nhưng họ chỉ giữ lại 10% và 90% lượng tiền sẽ đổ ngược lại xuống trả cho người dùng", người dẫn dắt tham gia Vitae khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, khả năng cao là Vitae tự lấy tiền của người dùng sau để trả cho người dùng trước.
Theo số liệu thống kê của trang Similarweb, trang web chuyên thống kê các chỉ số của hơn 80 triệu website trên thế giới, mỗi tháng trang Vitae.co chỉ có chưa đầy 200.000 người truy cập. Trong đó, gần 70% lượng truy cập hầu hết đến từ Việt Nam.
Nếu tính theo đơn giá hiện nay của YouTube tại thị trường Việt Nam, 1 lượt xem, truy cập sẽ được 50 đồng. Như vậy, với 200.000 lượt truy cập, mỗi tháng trang Vitae.co chỉ thu về được khoảng 10 triệu đồng tiền quảng cáo.
Tiền quảng cáo thu về chỉ khoảng chục triệu đồng một tháng, nhưng tiền trả cho một người dùng "đại sứ cấp cao" của Vitae đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, mạng xã hội tự xưng này cũng không công bố có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh gì, hay có đơn vị thứ 3 nào đứng ra tài trợ, góp vốn. Các chuyên gia cho rằng, khả năng cao là Vitae tự lấy tiền của người dùng sau để trả cho người dùng trước.
Những người tham gia sau phải chịu rủi ro, bởi đến khi Vitae gặp vấn đề, họ không biết tìm ai để mà đòi tiền.
"Không có ai đại diện gì cả, công ty nằm ở Thụy Sĩ. Tất cả chúng ta vào đây là như nhau. Còn việc có gì đảm bảo hay không thì chả có gì đảm bảo", người dẫn dắt tham gia Vitae nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!