Lý Sơn: Nguy cơ mất mùa hành do khô hạn

Đỗ Vinh-Thứ bảy, ngày 05/07/2014 18:26 GMT+7

Người dân phải chi hàng chục triệu đồng đào giếng cứu hạn. (Ảnh:Tiền phong)

Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nắng nóng tiếp diễn làm xáo trộn đời sống của người dân. Nếu trong thời gian tới không có mưa, không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nguy cơ 300ha hành vụ này mất mùa là điều có thể xảy ra.

Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc hành – tỏi. Nếu trước đây, một giếng nước có thể tưới được 5 sào hành. Còn hiện nay thì ngược lại. Để có đủ nước tưới một sào hành phải gom nước từ 5 giếng gần đó. Cả huyện có gần 1.000 giếng nước. Tất cả được tận dụng để chống hạn, cứu hành. Không khí chống hạn rất khẩn trương. Tuy nhiên, lần lượt các giếng ở đây đều cạn kiệt và nhiễm mặn rất nặng. Nếu thất thu vụ hành này, đời sống của hàng nghìn nông dân sẽ lâm vào cảnh khó khăn.

Ông Trần Thịnh, xã Anh Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: “Qua từng năm, độ nắng hạn ngày càng tăng lên trong khi đó trồng hành tỏi lại cần nhiều nước. Thiếu nước như vụ này thì hiệu quả kinh tế không đạt".

Hiện nay, Lý Sơn có gần 300ha hành đang đối mặt với khô hạn. Riêng đảo bé xã An Bình có gần 30 ha không còn nước để tưới và đã bỏ hoang hóa. Cùng với nghề khai thác thủy sản, nông nghiệp trong đó hành tỏi mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân. Giá trị kinh tế từ 1ha trồng hành tỏi lên đến vài trăm triệu đồng một năm. Vì vậy, để cứu hành, chỉ còn cách đào sâu thêm giếng.

Ông Võ Xuân Trực, xã An Vĩnh cho biết: "Khô hạn quá. Giờ chúng tôi chung tiền để đào giếng. Mỗi giếng nước trị giá vài trăm triệu đồng".

Công trình thủy lợi ở Lý Sơn hầu như vẫn chưa có gì ngoài hồ nước Thới Lới. Nắng hạn, người dân chủ động cắt giảm diện tích gieo trồng nhưng vẫn còn cao hơn năm trước. Việc áp dụng công nghệ tưới phun sương tiêu tốn nước nhiều hơn. Khai thác quá mức nước ngầm phục vụ cho nông nghiệp dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trên đảo. Việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt hiện nay vẫn chưa hợp lý.

Nông dân Lý Sơn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Để sản xuất nông nghiệp bền vững, địa phương này cần quy hoạch lại diện tích trồng hành tỏi và lập các phương án chủ động nguồn nước, nhất là các hồ chứa nước ngọt dự phòng. Cùng với đó, việc chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng chịu hạn cũng cần tính đến. Để tăng mạch nước ngầm, cần phải khôi phục lại diện tích rừng trên núi. Rõ ràng, việc khai thác và sử dụng tài nguyên ở Lý Sơn nhiều năm nay tồn tại nhiều bất cập.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước