Nhiều ý kiến cho rằng với quy định như dự thảo, nhiều bất cập trong quản lý đất đai sẽ được khắc phục.
Tại một buổi góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nhiều ý kiến quan tâm đến những quy định về cơ chế, chính sách tài chính, khung giá đất.
Đồng tình với chủ trương bỏ quy định về khung giá đất, nhiều ý kiến cho rằng chính sách tài chính về đất đai đã có nhiều tiến bộ trong dự thảo lần này.
"Đề nghị bỏ khung giá đất hiện hành hàng năm, tiến hành xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường nhằm tăng nguồn thuế cho nhà nước", ông Ngô Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trung Nghĩa, Yên Phong, Bắc Ninh, kiến nghị.
"Điều 154 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm, đây là nội dung hợp lý vì giá đất trên thị trường hiện nay luôn có sự biến động không ngừng", ông Đào Ngọc Vinh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh, đánh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tài chính về đất đai đã có nhiều tiến bộ trong dự thảo lần này. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế tiêu cực, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần có giải pháp để phát triển quỹ đất, cũng như đưa đất vào khai thác phục vụ cho phát triển.
"Khoản 3, điều 196 yêu cầu nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tích tụ ruộng đất, đất đai đối với quy mô phù hợp để sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào về trình tự, thủ tục hay là phương án khuyến khích việc sử dụng", ông Nguyễn Trường Thành, Bí thư Thành đoàn TP Từ Sơn, Bắc Ninh, nói.
"Qua sơ bộ tổng hợp nhanh các bài phát biểu gửi đến, chúng tôi thấy rằng trong 10 lĩnh vực trọng tâm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến, Bắc Ninh có một số vấn đề quan tâm hơn, ví dụ như khung giá đền bù, ví dụ như công tác quy hoạch mà thực hiện theo quy hoạch, các nội dung giải quyết tranh chấp, khiếu kiện về đất đai", ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh, cho biết.
Theo kế hoạch, 140 buổi lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tỉnh Bắc Ninh tổ chức ở tất cả các cấp.
Ngoài hội nghị, người dân còn có thể đóng góp ý kiến qua cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tất cả các ý kiến sẽ được chắt lọc, tổng hợp đầy đủ để gửi về Ban soạn thảo theo đúng quy định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!