Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi của người dân

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/02/2023 13:53 GMT+7

VTV.vn - Tính đến hết ngày 15/2, 52 tỉnh và 7 bộ, ngành có kế hoạch tiến hành lấy ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đất đai - một vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm và là nguồn sống của nhân dân. Bởi vậy, nhân dân tham gia vào quá trình góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là việc làm hết sức cần thiết. Điều này vừa nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng vừa tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Đây là vấn đề dành được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian trong suốt quá trình xây dựng luật. Ngay trong tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tại phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đôn đốc quá trình tiến hành lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo luật.

Tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến góp ý về các quy định ở Chương 6 về thu hồi đất, trưng dụng đất và Chương 7 quy định về chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Các ý kiến cho rằng dự thảo nên quy định cụ thể trường hợp nào Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất.

Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi của người dân - Ảnh 1.

Nhiều người bày tỏ sự đồng thuận cao với Dự thảo Luật Đất đai khi quyết định bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo giá thị trường khi thu hồi giải phóng mặt bằng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Đất để làm công trình an ninh, quốc phòng, giao thông công cộng thì Nhà nước phải đứng ra thu hồi đất và người dân cũng dễ chấp nhận, thậm chí dân còn hiến đất. Còn bây giờ Nhà nước cứ đứng ra thu hồi đất, các dự án sau đó lại giao lại cho doanh nghiệp để làm công trình mang tính thương mại thì chắc chắn người dân sẽ bức xúc và không giờ chúng ta kết thúc được việc người dân khiếu nại, tố cáo và đòi bồi thường", TS Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nêu ý kiến.

Cũng liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất khi bị thu hồi, vấn đề xác định thiệt hại và bồi thường cũng được đặt ra.

Nhiều ý kiến đánh giá cao Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, cho rằng dự thảo luật đã bám sát các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới chính sách đất đai; đồng thời kiến nghị, dự thảo luật cần tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Để nhường đất cho đại dự án Khu công nghệ cao TP Đà Nẵng, năm 2012, gia đình ông Trần Quốc Vũ là một trong những hộ sớm bàn giao toàn bộ diện tích 2.275 m2 đất ở, đất vườn và hơn 2,2 ha đất rừng cho ban quản lý dự án.

Sau khi bàn giao, ngoài số tiền chưa đầy 250 triệu đồng đền bù cho nhà cửa, hoa màu, rừng cây, gia đình ông được cấp 1 lô đất 100 m2 để tái định cư, tuy nhiên đến năm 2021, gia đình ông mới nhận được đất. Số tiền được đền bù từ hơn 10 năm trước đến nay không còn đủ để ông làm nhà.

Theo ông, nếu khi thu hồi đất, các địa phương phải bố trí nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ như trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được thông qua, cuộc sống của những người dân có đất bị thu hồi sẽ không còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông lúc này.

"Nếu có sửa cũng phải nâng cao hơn mức giá để người dân sau khi bị giải tỏa có nơi ở mới ổn định, cuộc sống tốt hơn. Còn trước đây theo tôi giá tiền đền bù quá thấp, cũng không minh bạch được bao nhiêu lô nên mong Nhà nước sau này có giải tỏa thì thông tin cho người dân biết, họ có 2.000 m2 thì họ có bao nhiêu lô", ông Trần Quốc Vũ, xã Hòa Ninh, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, bày tỏ.

Nhiều người đã bày tỏ sự đồng thuận cao với Dự thảo Luật Đất đai khi quyết định bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo giá thị trường khi thu hồi giải phóng mặt bằng.

Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai lần này, nhiều người dân hết sức quan tâm đến các nội dung quy định về quy hoạch sử dụng đất và công khai quy hoạch; đặc biệt đối với những khu đất vàng, không gian công cộng hay những dự án mang tính xã hội cao cần phải lấy ý kiến của người dân trước khi triển khai.

Nhiều người dân cũng đã bày tỏ sự đồng thuận cao với Dự thảo Luật Đất đai lần này khi quy định rõ ràng việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

"Kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ trong việc quản lý, sử dụng đất đai là vấn đề hàng đầu để chúng ta quản lý được tài nguyên quốc gia, lấy lại niềm tin của nhân dân và bảo đảm cho sự phát triển của đất nước; không vì động cơ nào mà làm trái với quy định của Nhà nước, do đó phải có luật, luật điều chỉnh phải chặt chẽ", ông Nguyễn Quang Nga, TP Đà Nẵng, nhận định.

Luật Đất đai là một dự án luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai; có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đến toàn bộ người dân. Do vậy, việc tổ chức lấy kiến nhân dân đối với dự thảo luật là vô cùng cần thiết. Công việc này đang đang đi vào giai đoạn nước rút. Do vậy, tham gia góp ý cho dự thảo luật lúc này cần được tập trung cao độ, từ việc tổ chức các hình thức góp ý, chất lượng ý kiến hay việc lắng nghe, tiếp thu, tất cả đều yêu cầu phải được thực hiện một cách nghiêm túc và thực chất.

9 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 9 vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

VTV.vn - Tính đến 0 giờ ngày 16/2, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có 52 tỉnh thành, 7 bộ ngành có kế hoạch lấy ý kiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi về Bộ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước