Dữ liệu kinh tế đáng chú ý trong những ngày đầu năm mới, đó là báo cáo về hoạt động sản xuất tại một loạt thị trường khu vực châu Á vừa được công bố, cho thấy lĩnh vực sản xuất của các nước ASEAN và Trung Quốc đều duy trì được đà tăng trưởng trong tháng 12/2024 nhưng đà tăng đã chậm lại so với tháng trước.
Kết quả khảo sát của S&P Global với 2.100 nhà sản xuất tại các nước ASEAN cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trong lĩnh vực sản xuất đạt 50,7, giảm nhẹ so với tháng 11, cho thấy lĩnh vực sản xuất của khu vực tiếp tục được mở rộng nhưng với tốc độ khiêm tốn. Mức tăng trưởng trung bình trong năm 2024 là 51. Trong tháng 12, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tại khu vực đều tăng, trong khi lượng hàng tồn kho giảm tháng thứ 6 liên tiếp, cho thấy hàng hóa đầu vào đã được sử dụng trực tiếp cho sản xuất.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng ghi nhận xu hướng tương tự trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 12. Chỉ số PMI Caixin, chủ yếu khảo sát các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, đứng ở mức 50,5, cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 51,5 trong tháng 11. Theo Caixin, một trong các lý do chính khiến lĩnh vực sản xuất tăng chậm lại là do các tác động bất lợi từ lĩnh vực xuất khẩu.
Giới chức Trung Quốc cho rằng, bất chấp dấu hiệu tăng chậm lại, lĩnh vực sản xuất của nước này vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi.
Ông Liu Yuhang - Giám đốc Trung tâm thông tin hậu cầu Trung Quốc cho biết: “Nhìn chung trong quý IV, sự cân bằng cung cầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo ra ổn định cần thiết cho tăng trưởng trong dài hạn. Các chính sách kích cầu đã giúp thúc đẩy niềm tin kinh doanh”.
Tính chung cho cả quý IV, chỉ số PMI khảo sát các doanh nghiệp lớn đứng ở mức 50,2, cao hơn trung bình 49,4 trong quý III, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã chuyển từ thu hẹp sang mở rộng trong các tháng cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!