80% chất thải chăn nuôi và phụ phẩm trồng trọt
Trong quá trình chế biến nông sản, một lượng lớn phế phụ phẩm sẽ được tạo ra. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 80% chất thải chăn nuôi và phụ phẩm trồng trọt đổ trực tiếp ra ngoài môi trường. Phần lớn những phế phẩm này sẽ trở thành rác và lại gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng cũng có một tín hiệu lạc quan, đó là những năm gần đây, ở nhiều địa phương đã có những nông dân, doanh nghiệp tận dụng phế phẩm ấy để tạo nên các sản phẩm. Không những mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn là những sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững, được thị trường xuất khẩu đón nhận.
Những chai nước mắm được tạo ra từ phế phẩm nông nghiệp. Nước mắm chay, kho quẹt chay đều có đặc điểm chung là trái điều sau khi thu hoạch lấy hạt được tận dụng đưa vào chế biến. Doanh nghiệp cho biết, những phụ phẩm nông nghiệp nếu bỏ đi sẽ gây ô nhiễm môi trường, chỉ có chế biến sâu mới giúp trở thành hàng hóa. Mỗi ngày, doanh nghiệp sản xuất khoảng 1.000-1.500 sản phẩm từ việc chế biến sâu những trái điều để trở thành hàng hóa bán ra thị trường.
Phụ phẩm nông nghiệp vốn không có giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, khi được chế biến sâu lại hoàn toàn khác. Như xơ mướp này, trải qua quá trình chế biến, một xơ mướp bỏ đi đã biến thành 10 mã sản phẩm hàng hóa như bông tắm, miếng rửa chén, thảm ghế ngồi, lót giày.... Theo tính toán, mỗi xơ mướp sau khi chế biến sẽ có giá 40.000 đồng bởi sản phẩm được gia công để xuất khẩu. Mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất được 50.000 sản phẩm.
Anh Phạm Văn Đoàn - Giám đốc Công ty Kỹ thuật Thảo Chi, Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: “Ý thức của khách hàng sử dụng gần đây nhắm đến sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm làm giảm lượng phát thải ra môi trường. Từ đó, sản phẩm xơ mướp cũng là sản phẩm khách hàng hướng đến. Điều đó mở ra cơ hội cho các cơ sở”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có khoảng 160 triệu tấn phế phụ phẩm từ ngành nông nghiệp. Để nguồn tài nguyên không bị lãng phí, thời gian qua, đã có nhiều đơn vị tái sử dụng nguồn phụ phẩm này sản xuất ra nhiều sản phẩm, có thể mang về hàng tỷ USD.
PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện KHCN và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Các tỉnh thành nên tìm dòng nguyên liệu dồi dào tại địa phương để đặt hàng nghiên cứu. Tôi nghĩ nó cũng sẽ tạo ra những nghiên cứu trọng điểm”.
Những phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi đã mang đến nhiều giá trị kinh tế, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng đang hướng tới tái chế sản phẩm. Theo các chuyên gia, biến phụ phẩm thành hàng hóa cũng là mô hình kinh tế tuần hoàn đang được triển khai. Như ngành nông nghiệp, 20-30% lượng phụ phẩm được tái sử dụng, trong đó hướng đến môi trường xanh.
Những phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi đã mang đến nhiều giá trị kinh tế, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng đang hướng tới tái chế sản phẩm
Phụ phẩm nông nghiệp trở thành “mỏ vàng”
Hầu hết các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia hiện đều quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Việc này đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của thế giới. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tận dụng xu thế này để biến phụ phẩm trở thành những hàng hóa xanh, từ đó khai thác được giá trị kinh tế cao.
Nhận thấy nguồn rơm sau có thể mang lại giá trị kinh tế, trở thành hàng hóa giao dịch trên thị trường quốc tế nên anh Tài đã chế biến thành nguyên liệu nhóm lửa và bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon. Hiện, mỗi hộp rơm có trọng lượng 1kg đang được bán trên sàn thương mại điện tử Amazon với giá 500.000 đồng. Như vậy, thay vì bỏ đi thì nay, cứ 5 tấn rơm sẽ có thêm thu nhập khoảng 190 triệu đồng. Không chỉ vậy, nguồn rơm này được quy đổi thành tín chỉ carbon để thu về lợi nhuận.
Anh Nguyễn Xuân Tài - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Ulstraw cho biết: “Trao đổi với một số bên để có thể phát hành tín chỉ carbon bằng cách sẽ có một hệ thống giám sát tự động. Cứ mỗi một sản phẩm bán ra thị trường sẽ được hệ thống đó tự động giám sát ghi nhận lại. Từ những thông tin cập nhật thời gian trực tiếp như vậy sẽ đưa ra một hệ thống phát hành tín chỉ riêng”.
Nhà máy sản xuất phân bón này có nguyên liệu 100% là chất thải từ nuôi heo. Những chất thải của 4.000 con heo sẽ giúp sản xuất mỗi tháng khoảng 500 tấn phân bón. Điểm nổi bật của phân bón này giúp nông dân sản xuất ra nông sản hữu cơ có sức cạnh tranh cao.
Ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ KTNN, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam nêu ý kiến: “Nhà nước phải thúc đẩy nghiên cứu chi tiết quy trình công nghệ tái phế phụ phẩm cho từng loại phế phụ phẩm”.
Hiện nay, có nhiều mô hình rất hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Đặc biệt, người tiêu dùng hiện nay không chỉ cần sản phẩm chất lượng mà phải đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xu thế phát triển xanh, bền vững là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi tư duy trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị sản xuất theo hướng hướng sản phẩm xanh, bền vững, vì môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!