Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức 2,8% vào năm 2025.
Con số này không thay đổi so với năm 2024, bị kìm hãm bởi hai nền kinh tế hàng đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
2 nền kinh tế hàng đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng trưởng chậm
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không đến mức như lo ngại. Các thị trường chịu nhiều sức ép, nhưng không lao dốc.
Không giống như thời điểm này của năm 2021 và 2022, các nhà dự báo khi xem xét những nền tảng của nền kinh tế Mỹ không nhấn thấy những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, có những rủi ro bên ngoài đang rình rập, bao gồm cả một cuộc chiến thương mại có thể gây ra những tác động tiêu cực không mong muốn.
Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới cho biết, "dự báo tăng trưởng tích cực nhưng chậm hơn một chút đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ" sẽ được bổ sung bởi sự phục hồi khiêm tốn ở Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Anh cùng hiệu suất mạnh mẽ ở một số nền kinh tế đang phát triển lớn, đáng chú ý là Ấn Độ và Indonesia.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, "mặc dù tiếp tục mở rộng, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với mức trung bình 3,2% của giai đoạn 2010–2019 (trước đại dịch)".
"Kết quả kinh doanh yếu kém này phản ánh những thách thức đang diễn ra về mặt cơ cấu như đầu tư yếu, tăng trưởng năng suất chậm, mức nợ cao và áp lực về nhân khẩu học", báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng cho biết, tăng trưởng của Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm từ 2,8% năm ngoái xuống 1,9% vào năm 2025 do thị trường lao động suy yếu và chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại.
Để thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc và chuẩn bị cho những lời đe dọa áp đặt thêm thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Trung Quốc triển khai loạt biện pháp nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn. Các động thái này cũng nhằm đối phó với tình trạng giảm giá trị đồng tiền, cổ phiếu...
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết thêm, tăng trưởng ở Trung Quốc ước tính đạt 4,9% trong năm 2024 và dự kiến đạt 4,8% trong năm nay với các khoản đầu tư của khu vực công và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ một phần bị bù đắp bởi tăng trưởng tiêu dùng chậm lại và sự suy yếu kéo dài của khu vực bất động sản.
Nam Á sẽ vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Còn châu Âu, theo báo cáo, châu Âu dự kiến sẽ phục hồi khiêm tốn với mức tăng trưởng từ 0,9% vào năm 2024 lên 1,3% vào năm 2025, "được hỗ trợ bởi lạm phát giảm và thị trường lao động phục hồi".
Ấn Độ sẽ vượt Nhật thành nền kinh tế lớn thứ 4 vào năm 2025. Ảnh: TL
Đáng chú ý, báo cáo nhận định, Nam Á dự kiến sẽ vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với GDP khu vực dự kiến sẽ tăng 5,7% vào năm 2025 và 6% vào năm 2026, nhờ vào thành tích mạnh mẽ của Ấn Độ và sự phục hồi kinh tế ở Bhutan, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Trong đó, Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, dự kiến sẽ tăng trưởng 6,6% vào năm 2025 và 6,8% vào năm 2026, nhờ vào tiêu dùng tư nhân và đầu tư mạnh mẽ. Trước đó, Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs nhận định, GDP của nước này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,5% trong giai đoạn từ năm 2025-2030.
Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giảm lãi suất
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, các ngân hàng trung ương lớn có khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất vào năm 2025 khi áp lực lạm phát giảm bớt.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang chuẩn bị tiếp tục cắt giảm lãi suất vào năm 2025, nhưng có thể sẽ theo chiều hướng thận trọng và theo dõi sát sao các chính sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Bloomberg Economics dự đoán, lãi suất của các nước tiên tiến sẽ chỉ giảm trung bình 72 điểm cơ bản vào năm 2025, ít hơn so với năm 2024.
Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 4% vào năm 2024 xuống 3,4% vào năm 2025, mang lại sự hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Đồng thời, báo cáo của Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động đa phương táo bạo để giải quyết các cuộc khủng hoảng có liên quan, bao gồm nợ nần, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.
"Chỉ nới lỏng tiền tệ thôi sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu hoặc giải quyết tình trạng chênh lệch ngày càng gia tăng", báo cáo nhấn mạnh./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!