Trao đổi bên lê hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao, nó sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, sẽ không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, đại biểu này cho rằng, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng không tăng lên quá cao là điều cần thiết.
Đại biểu Cường cho rằng trong bối cảnh giá tăng hiện nay có thể cân nhắc việc điều chỉnh giảm thuế, thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường.
"Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, sức chịu đựng của các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu", đại biểu Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)
Ông Cường cho rằng, thời điểm hiện tại, rất cần phải giữ được ổn định giá xăng dầu. Việc này sẽ rất tốt cho việc phục hồi và kiềm chế được tình trạng tăng giá của các ngành khác, giữ lạm phát.
Theo đại biểu Cường, giá xăng dầu trong nước tăng một phần là do tác động của giá dầu thế giới. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, chi phí của quá trình chuyên chở vận chuyện đã bị đội lên.
Mặt khác, các chi phí liên quan đến tăng chi phí lên đó là chi phí logistic, chi phí kho bãi, kiểm soát. Những yếu tố đó cộng vào làm cho giá xăng dầu trong nước đội cao hơn.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, chúng ta phải xem lại những khoản gì để làm cho giá xăng dầu đội lên như thuế nhập khẩu, các khoản phí về kiểm soát. Những khoản đó thì chúng ta có thể rà soát lại và phải cắt giảm để ổn định được giá xăng dầu", đại biểu Cường nói.
Theo đại biểu Cường, Bộ Công Thương phải đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước. Từ đó sẽ dự báo được mức độ ảnh hưởng có thể gia tăng. Bộ Tài chính là đơn vị thực thi các chính sách, như có trình về thay đổi về thuế, thay đổi, điều chỉnh về phí như thế nào, đây là vấn đề mà Bộ Tài chính sẽ phải thẩm tra và đánh giá để báo cáo Chính phủ.
Cần phải được tính toán căn cơ
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách - cho rằng, các chính sách điều hành cần đảm bảo sự minh bạch, phù hợp với thị trường và có thể "xem xét điều chỉnh chính sách thuế hợp lý công bằng là cần thiết".
Bởi theo ông Lâm, giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào nhiều ngành, nên giá tăng sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi kinh tế. Khi giá đầu vào tăng thì giá đầu ra cũng tăng, dẫn tới cầu sẽ giảm, ảnh hưởng đến những yếu tố như tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Đại biểu Lâm cho hay, Chính phủ nỗ lực điều tiết giá xăng dầu. Hiện nay còn sử dụng quỹ bình ổn giá để kiềm giá, giữ ổn định vĩ mô kiểm soát lạm phát nhưng ở mức độ nhất định thì phải tính toán.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, việc điều chỉnh thuế, phí liên quan đến xăng, dầu cần được tính toán căn cơ, bài bản lâu dài
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị để tạo dư địa cho phát triển, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thì chính sách thuế phí có thể tính đến như thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản phí.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lâm, vấn đề này cần phải được tính toán căn cơ, bài bản lâu dài chứ không phải chạy theo biến động thị trường. Bởi nếu chính sách biến động quá nhiều, có sự thay đổi và điều chỉnh nhiều thì có thể bất lợi chung đến việc đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"Điều hành cần phải tổng thể giải pháp, không phải ta tăng gì thì lao vào giảm đó, mà phải có nhiều cung cụ linh hoạt để điều tiết nền kinh tế, nên cần phải vận dụng hài hòa từng điều kiện và bối cảnh" - đại biểu Lâm nêu ý kiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!