Lãnh đạo đường sắt nói gì về đề xuất nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản?

Trần Hiền - Đức Chung-Thứ tư, ngày 20/10/2021 09:56 GMT+7

VTV.vn - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa tàu cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí.

Theo tính toán, việc này sẽ giúp tiết kiệm hơn 1.100 tỷ đồng so với phương án đầu tư đóng mới các toa tàu. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra những băn khoăn rằng các toa tàu cũ liệu có còn đảm bảo hiệu quả về kinh tế hay không?

37 toa tàu được đề xuất nhập về có thể chạy độc lập thay vì phải có đầu kéo như tàu Việt Nam hiện nay. Việc này sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, nếu đóng mới ngành đường sắt sẽ phải đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi tiếp nhận miễn phí từ phía đối tác Nhật Bản, sẽ chỉ phải chi trả khoảng 140 tỷ đồng cho chi phí vận chuyển, đăng kiểm và căn chỉnh để phù hợp với đường sắt Việt Nam.

Lãnh đạo đường sắt nói gì về đề xuất nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản? - Ảnh 1.

Các xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản, được sản xuất giai đoạn 1979 - 1982. (Ảnh: Dân trí)

"Họ vẫn đang vận hành rất tốt, các quốc gia khác cũng đã tiếp nhận tàu về chạy, vận hành tốt. Đánh giá về mức độ an toàn, tôi cho rằng hoàn toàn đảm bảo an toàn và tương thích với đường Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta sẽ có một số hạng mục cải tạo cho phù hợp hơn và quyết định cuối cùng đó là khi cho nhập, muốn vận hành trên đường thì phải thông qua đăng kiểm Việt Nam, theo tiêu chuẩn của Việt Nam, đấy là cái quan trọng nhất", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết.

Các toa tàu này hiện đã được sử dụng 40 năm. Tuy nhiên, theo Nghị định 65 hướng dẫn thực hiện Luật Đường sắt, các toa tàu tại Việt Nam khi đã sử dụng đến tuổi đời này sẽ phải thay mới. Do vậy, ông Vũ Anh Minh cho rằng, muốn nhập các toa tàu của Nhật Bản sẽ cần phải điều chỉnh quy định.

Lãnh đạo đường sắt nói gì về đề xuất nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật Bản? - Ảnh 2.

Hình ảnh nội thất, ngoại thất của các toa xe 0 đồng mà VNR muốn nhập khẩu về từ Nhật Bản. (Ảnh: Dân trí)

"Nó vướng vào điều khoản của Nghị định 65, do vậy chúng ta phải trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đang giao cho Bộ Giao thông Vận tải có thể lấy ý kiến các Bộ, sau đó sẽ trình Thủ tướng và Chính phủ có thể đưa một nội dung vào trong Nghị quyết Chính phủ để cho phép nhập cái này", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết thêm.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, các toa tàu này phù hợp chạy các tuyến ngắn dưới 300 km như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, theo tính toán, các toa tàu có thể sử dụng thêm được khoảng 15 năm nữa. Trong khi, với 140 tỷ chi phí bỏ ra sẽ có thể hoàn vốn sau 7 năm.

Hàng không, đường sắt “cháy” vé chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh Hàng không, đường sắt “cháy” vé chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh

VTV.vn - Ngay sau khi được bay lại, vé máy bay đã có hiện tượng sốt, cháy vé. Với đường sắt, nhu cầu của khách cũng tăng cao nên ngành này đã xin tăng thêm tàu cho tuyến Bắc - Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước