Làng nghề gặp khó vì dịch COVID-19

VTV Digital-Thứ hai, ngày 11/10/2021 14:08 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất tại các làng nghề, vốn tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Dù tới thời điểm này, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, cuộc sống bình thường mới đang dần vận hành, nhưng nhiều làng nghề vẫn đứng trước không ít thách thức.

"Đây cái khung này nhà chị. Hàng cao cấp đấy. Hàng này hàng đũi rất là dày. Dùng để may váy, may vest. Toàn hàng cao cấp nhưng đến bây giờ cũng đóng không. Hàng cao cấp hay hàng thấp cấp thì bây giờ cũng vậy, đều của đống tiền nhưng cuối cùng cũng không làm được cái gì", chị Trần Thị Ngọc Lan, cơ sở sản xuất lụa cao cấp Lansonsilk, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.

Xưởng dệt được đầu tư hàng trăm triệu đồng, có 5 công nhân, nhưng nay chỉ còn 1. Máy móc phủ bụi, han gỉ...

"Giảm bớt việc đi nên chị làm những cái chính thôi. Mấy tháng nghỉ không có lương, mới đi làm lại. Làm cầm chừng còn hơn là không có việc", chị Đặng Thị Tuyết, Hà Đông, Hà Nội, cho hay.

Làng nghề gặp khó vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Dù dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, nhưng nhiều làng nghề vẫn đứng trước không ít thách thức. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)

Sau thời gian im ắng, nay máy móc lại được "vận động", nhưng làng nghề vẫn không thoát khỏi cảnh ế ẩm.

Ông Phạm Khắc Hà, Cơ sở sản xuất lụa Phúc Hưng, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết: "Hơn 200 cây hàng bị tồn đọng. Mặc dù lao động trong nhà, thuê được một số người nhưng cũng chỉ sản xuất khoảng 50%. Do thời gian dài nên sản phẩm tồn đọng rất nhiều".

"Càng ngày càng mai một, từ nghệ nhân của làng nghề. Hiện nay, nghề này của chúng tôi còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lao động phục vụ cho làng nghề gặp nhiều khó khăn", Ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND Phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.

Do đó, khi làng nghề gặp khó, nhiều người cũng không mặn mà với nghề. Với một chiếc giỏ, thông thường một nghệ nhân phải làm xong trong 1 tuần, bán ra với giá hơn 3 triệu đồng, nhưng với người lao động thông thường, điều đó là không thể.

Bám vào nghề, đa phần chỉ có những người trung niên và cao tuổi, bởi mỗi ngày công chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng. Chính vì vậy, đa phần họ chọn làm thời vụ thay vì chọn là nghề truyền đời.

Chính sách hỗ trợ làng nghề

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Nghị quyết 105 nhằm hỗ trợ các nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Tuy nhiên, đa phần các hộ gia đình làm nghề truyền thống đều có quy mô nhỏ, lẻ, tự phát, tận dụng lao động của gia đình không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế... nên khó tiếp cận việc được hỗ trợ.

Tại Hà Nội, hiện có hơn 1.300 làng nghề, trong đó có khoảng 300 làng nghề truyền thống. Họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thiếu nguồn nhân lực, thiếu nguyên liệu sản xuất đến đứt gãy chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm... Giải quyết các vấn đề đó là bài toán Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phải đối mặt.

"Sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương để tái tạo thành sản phẩm mới, vừa đảm bảo môi trường, tạo giá trị gia tăng cho chủ thể cũng như của nền kinh tế của xã hội. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để giảm lao động thủ công, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn. Thường xuyên tổ chức hội chợ, hội thi triển lãm để kết nối tiêu thụ. Tiếp cận với chuyển đổi số, đặc biệt là bán hàng đa kênh để đáp ứng được nhu cầu", ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nhấn mạnh.

Làng nghề thích nghi và phát triển bền vững

Để gìn giữ và phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập quốc tế, các làng nghề buộc phải thay đổi để thích nghi. Thay vì "dậm chân tại chỗ", nhiều cơ sở sản xuất đã nhạy bén chuyển hướng, bắt nhịp với công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đón nhận những cơ hội phát triển mới, phù hợp với đa dạng thị trường trong và ngoài nước.

Giá cả, mẫu mã, chất lượng… đều được người bán tư vấn cụ thể qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đây là cách cơ sở sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng, Hà Nội áp dụng trong suốt thời gian qua.

Làng nghề gặp khó vì dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Để gìn giữ và phát triển làng nghề trong xu thế hội nhập quốc tế, các làng nghề buộc phải thay đổi để thích nghi. (Ảnh minh họa - Ảnh: VOV)

Chúng tôi số hóa toàn bộ các hoạt động trưng bày, cơ sở trưng bày tại trụ sở và các siêu thị trên toàn quốc. Thứ hai, chúng tôi xây dựng một cái kho hàng số. Thứ ba, chúng tôi áp dụng hoạt động tiếp thị vào bán hàng bằng hình thức livestream. Phía khách hàng cũng đã ủng hộ và chấp nhận mua hàng trước những thay đổi của chúng tôi", anh Tạ Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần gốm Bát Tràng FAMILY, chia sẻ.

Sáng tạo và đổi mới cũng là cách các nghệ nhân luôn trăn trở. "Trước đây mình có thể làm màu men hỏa biến, nhưng bây giờ mình có thể làm thêm nhiều màu men. Mình sẽ phải đi tìm hiểu thị trường xem gu màu người ta như nào để mình phục vụ", nghệ nhân Vương Thế Cường, Làng gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội, cho hay.

"Thay đổi sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, thị trường theo từng giai đoạn. Đó là yếu tố rất quan trọng", nghệ nhân Lê Thanh Thái, làng nghề sơn mài Duyên Thái, Hà Nội, nhận định.

Khi dịch bệnh, nguyên liệu đầu vào gặp khó, việc tái sử dụng nguồn phế thải của địa phương cũng là giải pháp tối ưu. Độc đáo, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý đã khiến nhiều đơn hàng luôn dày đặc, dẫu dịch bệnh bủa vây.

"Chúng ta đều phải chủ động, vì thời đại bây giờ là 4.0. Nó sẽ có những cái thay đổi rõ rệt. Cách tiếp cận khách hàng truyền thống như tổ chức hội chợ cũng phải thay đổi. Bây giờ chúng tôi có thể gặp khách hàng bằng cách meeting online hoặc làm gian hàng ảo, chụp ảnh sản phẩm… để khách hàng kiểm tra trước sau đó đặt hàng", anh Đỗ Thành Linh, Giám đốc công ty Hòn ngọc Viễn Đông, làng nghề sơn mài Duyên Thái, Hà Nội, cho hay.

Duy trì tệp khách hàng cũ và tiếp cận thêm khách hàng mới là tiêu chí các làng nghề hướng đến. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần có sự thay đổi, mang tính đột phá dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh, phù hợp theo từng thời điểm, khi đó làng nghề mới vươn tới sự phát triển bền vững trước đại dịch.

Làng nghề Hà Nội “vươn mình” vượt khó mùa dịch Làng nghề Hà Nội “vươn mình” vượt khó mùa dịch

VTV.vn - Dịch bệnh phức tạp khiến không ít cơ sở sản xuất, làng nghề phải giảm công suất từ 20 - 50%. Lúc này, nhiều làng nghề đang cố gắng vượt khó để tồn tại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước