Người dân đi bộ ngang qua Sở Giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AP)
"Khi dịch COVID-19 tái bùng phát ở mức cao trên toàn nước Mỹ, nhiều bang áp đặt trở lại hàng loạt các biện pháp hạn chế" là thông tin trên tờ Tạp chí phố Wall số ra ngày 12/11. Nguyên nhân được xác định là do số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày tại Mỹ hiện đã vượt mốc 100.000 trong 9 ngày liên tiếp, mức chưa từng thấy trong cả mùa Thu và mùa Hè vừa qua. Tuy nhiên, cách thức triển khai các biện pháp hạn chế có sự khác biệt so với trước.
Tthay vì áp đặt lệnh đóng cửa hoàn toàn, mỗi bang triển khai các biện pháp hạn chế hướng tới đối tượng phù hợp, như: cấm kinh doanh ăn uống trong nhà hàng và quán bar, phạt những người tổ chức tiệc trong nhà quá đông, bắt buộc đeo khẩu trang… Việc đóng cửa hoàn toàn sẽ được triển khai nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu hơn.
Mục tiêu của cách làm này là để vừa ngăn chặn số ca nhiễm và tử vong, giảm sức ép cho các cơ sở y tế, vừa hạn chế các biện pháp hà khắc gây thiệt hại thêm về kinh tế.
Mặc dù vậy, theo một bài viết khác cũng trên tờ Tạp chí phố Wall, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cảnh báo tình trạng gia tăng các ca nhiễm mới có thể thách thức tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Bài viết trích ý kiến của ông Jerome Powell hôm thứ Năm (12/11) nhận định là hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá những tiến triển trong việc phát triển vaccine COVID-19 trên toàn cầu tác động như thế nào đến nền kinh tế Mỹ, nhất là khi sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm tại Mỹ có thể làm suy yếu tiến trình phục hồi kinh tế.
FED cảnh báo tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới có thể thách thức tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ. (Ảnh: AP)
Thời gian qua, FED đã theo dõi chặt chẽ 2 yếu tố chính tác động đến sự phục hồi của hoạt động kinh tế, đó là sự gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh và tình trạng cạn kiệt khoản tiết kiệm của các hộ gia đình khi các gói cứu trợ kinh tế chấm dứt.
Ở một khía cạnh khác, tờ Bưu điện Washington cho biết là sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 khiến số trường học phải đóng cửa gia tăng và tình trạng học trực tuyến kéo dài đang ngày càng buộc nhiều bà mẹ phải bỏ việc để trông con. Tình trạng này sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Bài viết dẫn báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu (6/11) tuần trước cho thấy mặc dù nền kinh tế Mỹ đã khôi phục được gần nửa số việc làm đã mất trong tháng 3 và tháng 4, song tỷ lệ phục hồi việc làm trong số lao động nữ chỉ đạt 39% so với 58% của nam giới. Số lao động nữ hiện đã quay trở lại làm việc hay tiếp tục tìm việc làm đã giảm 2,2 triệu so với tháng 1 năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1988.
Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ phải nghỉ việc 1 năm để chăm sóc con cái thường sẽ gặp khó khăn trong việc quay trở lại làm việc. Họ thường phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn, do đó mức lương hưu thấp hơn trong suốt phần đời còn lại.
Tình trạng này sẽ làm sụt giảm mức thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy kéo theo tình trạng giảm chi tiêu tiêu dùng, yếu tố đóng góp tới 2/3 giá trị của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!