FED: Bức tranh phục hồi của kinh tế Mỹ không đồng đều

TTXVN-Thứ năm, ngày 22/10/2020 13:05 GMT+7

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi với tốc độ khiêm tốn trong đầu tháng 10/2020. (Ảnh minh họa: Reuters)

VTV.vn - Báo cáo của FED mới đây đã đưa ra bức tranh không đồng đều về sự phục hồi của kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra.

Báo cáo "Sách Be" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 21/10 cho biết nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi với tốc độ khiêm tốn trong đầu tháng 10/2020, khi người tiêu dùng tiến hành mua nhà và tăng chi tiêu. Tuy nhiên về tổng thể, bức tranh phục hồi là rất khác nhau giữa các lĩnh vực.

Theo giới quan sát, báo cáo "Sách Be" của FED rõ ràng là lạc quan hơn phiên bản tháng Chín, với nhiều khu vực sử dụng các từ "tích cực" và "lạc quan" để mô tả các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế địa phương mình.

Tuy nhiên, báo cáo về điều kiện kinh doanh trên khắp các khu vực có đặt chi nhánh của FED đã đưa ra bức tranh không đồng đều về sự phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. Ví dụ, FED chi nhánh Chicago nhận định hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng tại đây đã "tăng mạnh", trong khi FED chi nhánh New York cho biết hoạt động trên đã "chững lại" còn FED ở Kansas lại miêu tả chi tiêu của người tiêu dùng tại đây đã "giảm một cách khiêm tốn".

Trong báo cáo, FED chỉ ra rằng nhu cầu mua nhà ổn định đã thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở và nâng cao nhu cầu cho vay tổng thể. Nhưng ngược lại, thị trường bất động sản thương mại tiếp tục "xấu đi" ở nhiều phân khúc, trừ kho bãi và khu công nghiệp. Ngoài ra, một số quận cho biết lượng nhà và ô tô lưu tồn thấp có thể làm hạn chế mức tăng trưởng doanh số bán hàng trên những thị trường này ở các mức độ khác nhau.

FED: Bức tranh phục hồi của kinh tế Mỹ không đồng đều - Ảnh 1.

Những người đi bộ băng qua đường ở New York, Mỹ. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Tình hình thị trường việc làm tại Mỹ vẫn khá trái chiều. Hoạt động tuyển dụng trong các lĩnh vực tiếp tục diễn ra ở các mức độ khác nhau tại những khu vực có đặt chi nhánh của FED, nhưng xu hướng sa thải tạm thời trở thành sa thải vĩnh viễn vẫn tồn tại.

Một cuộc khảo sát của FED chi nhánh Philadelphia đã tổng kết rằng việc gọi những công nhân bị sa thải đi làm trở lại đã giảm tốc từ 13% trong tháng Bảy xuống 5% trong tháng Chín. Trong khi đó, tỷ lệ các công ty đưa ra quyết định sa thải vĩnh viễn đã tăng từ 6% lên 7% trong cùng giai đoạn, dù tỷ lệ cho nhân viên nghỉ việc tạm thời đã giảm từ 6% xuống 5%.

Bên cạnh đó, dù tỷ lệ thất nghiệp nói chung trên toàn quốc vẫn cao, hầu hết các khu vực đều báo cáo thị trường lao động địa phương khá "thắt chặt". Báo cáo cho thấy trong một số trường hợp, các công ty đang phản ứng bằng cách tăng lương hoặc tăng tính linh hoạt cho người lao động giải quyết các vấn đề chăm sóc trẻ em. Nhiều công ty khác đang tăng cường áp dụng tự động hóa.

Nhìn chung, báo cáo của FED đã chỉ ra bức tranh phục hồi không đồng đều. Giới chức FED đã cảnh báo tình trạng này có thể xảy ra thường trực hơn trừ khi chính phủ liên bang tiến hành nhiều biện pháp cứu trợ để giảm thiểu tác động của đại dịch. Quan chức FED nhấn mạnh rằng việc Chính phủ không thể cung cấp thêm các biện pháp viện trợ là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng của nền kinh tế.

Lời cảnh báo của FED được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ đảng Dân chủ về các biện pháp kích thích mới đã kéo dài trong nhiều tháng qua. Mặc dù cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cho biết đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán, song liệu các cuộc đàm phán có thể kết thúc để Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích mới trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 hay không vẫn còn để ngỏ.

Doanh nghiệp Mỹ lo lắng khi gói kích thích kinh tế mới bế tắc Doanh nghiệp Mỹ lo lắng khi gói kích thích kinh tế mới bế tắc

VTV.vn - Hiện nay, các cuộc đàm phán về một gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ đang rơi vào bế tắc, sau khi 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa chưa tìm được tiếng nói chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước