Làm sao để rau quả Việt ít xuất "tươi"?

Việt Hoàng (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ năm, ngày 15/03/2018 08:41 GMT+7

VTV.vn - "Rau quả cứ phải tươi" là tâm lý chung của cả người mua lẫn người bán nhưng đó là để đi chợ ở trong nước, còn nếu mang rau quả ra chợ quốc tế, "tươi" chưa hẳn đã có lợi.

Làm sao để rau quả Việt ít xuất tươi? - Ảnh 1.

Bài viết trên tờ Thời báo Kinh doanh sáng 15/3 đặt luôn dòng tiêu đề "Làm sao để rau quả ít xuất tươi" bởi gần đây chúng ta vẫn nói nhiều về kỳ tích xuất khẩu rau quả vượt dầu thô và gạo. Tuy nhiên, cần nhìn vào cơ cấu thị trường khi chủ yếu rau quả tươi vẫn chỉ có thể bán sang Trung Quốc. Còn các thị trường khác, tuy không ít nơi khó tính đã được chinh phục nhưng tính về giá trị thực tế thì vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Tại sao rau quả "tươi" khó đi xa thì không khó lý giải. Tờ Nông thôn ngày nay lấy ví dụ về chuyện xuất khẩu vải tươi sang Mỹ. Sau những hào hứng ban đầu, đến nay gần như không còn DN nào dám tham gia vì thời gian bảo quản quá ngắn, chỉ vài ngày vận chuyển, vải đã đổi màu, thậm chí hư hỏng.

Không chỉ DN gặp khó với việc xuất "tươi" mà dân trồng cũng lúng túng. Ví như chuyện "hái chín hay hái non" khá phổ biến của trái mãng cầu Tây Ninh. Cũng là để bán tới tận Dubai, Pháp, Canada nhưng nếu thu hoạch sớm để kịp xuất khẩu, chất lượng giảm một nửa. Còn nếu đợi trái chín đồng loạt, chưa nói đến việc bảo quản, cung cũng rất dễ vượt cầu khiến dội hàng, giảm giá sâu.

Làm sao để rau quả Việt ít xuất tươi? - Ảnh 2.

Việt Nam kỳ vọng vào năm 2030 rau quả xuất khẩu sẽ mang về khoảng 7 tỷ USD, gấp đôi kỳ tích của năm 2017. Vậy để đạt được, từ "tươi" cần sớm được thay thế bằng "chế biến sâu" - đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia.

Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu dễ thấy của các DN hiện nay. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, công suất thực tế của các cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp trên cả nước hiện chỉ đạt 50%. Đa số chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu; việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến cũng hạn chế; công nghệ chưa cao nên chất lượng cũng khó đáp ứng được các thị trường khó tính. Vì thế, sản phẩm chế biến mới chỉ chiếm 10% tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu.

Trong khi đó, tiềm năng giá trị của sản phẩm chế biến sâu là rất rõ. Tờ Thời báo Kinh doanh lấy ví dụ từ một chuyên gia nước ngoài, các thị trường như Mỹ, EU đang rất cần những sản phẩm chế biến đa dạng, hấp dẫn từ trái thanh long của Việt Nam. Đơn cử như một sản phẩm nước được chế biến từ thanh long đang bán tại Đức hiện có giá lên đến 34 EUR/chai 150 ml.

Vậy là cũng như nhiều sản phẩm khác, sau câu chuyện thành công về lượng, thay đổi về chất vẫn sẽ là bài toán khó giải hơn được đặt ra cho ngành xuất khẩu rau quả.

Năm 2018, rau quả tiếp tục thử sức ở những thị trường có giá trị kinh tế cao Năm 2018, rau quả tiếp tục thử sức ở những thị trường có giá trị kinh tế cao Xuất khẩu rau quả thu 13 triệu USD mỗi ngày Xuất khẩu rau quả thu 13 triệu USD mỗi ngày Xuất khẩu rau quả tăng mạnh vượt cả dầu thô và đạt 3,34 tỷ USD Xuất khẩu rau quả tăng mạnh vượt cả dầu thô và đạt 3,34 tỷ USD

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước